Sabtu, 03 Desember 2016

Tỷ phú Trung Quốc bị nghi đã bí mật giấu 500.000 tấn nhôm ở Việt Nam là ai?; Kho nhôm bí ẩn liên quan tới tỷ phú TQ tại Việt Nam bị Mỹ nghi ngờ

02/12/2016  14:24 GMT+7

Các hoạt động nhập khẩu nhôm bất thường về Việt Nam được cho là có liên quan đến gia đình tỷ phú Trung Quốc Liu Zhongtian.
Một trong những kho dự trữ nhôm lớn nhất thế giới, vốn vài tháng trước còn vùi dưới lớp cỏ và những tấm bạt nhựa trên sa mạc Mexico, nay đã được vận chuyển tới một bến cảng xa xôi ở miền Nam Việt Nam. 
Từ đầu năm nay, 500.000 tấn nhôm đã được chở bằng xe tải ra khỏi thành phố San José Iturbide của Mexico và được chuyển đến Việt Nam, theo dữ liệu vận tải và nguồn tin của Wall Street Journal. Phần lớn số nhôm này hiện đang nằm dưới những tấm bạt đen tại một cảng biển cách TPHCM hai giờ lái xe, được canh chừng nghiêm ngặt bởi những người bảo vệ chạy xe mô tô và có trang bị dùi cui.
Các chuyến hàng lớn bất thường này đang gây nhiều sự chú ý, và làm dấy lên lo ngại về tác động tới ngành công nghiệp nhôm và giá của kim loại này. Theo Dịch vụ Thông tin Thương mại Toàn cầu (GTIS), Việt Nam hiện là điểm đến cho 91% kim ngạch xuất khẩu nhôm ép của Mexico, điều gần như chưa hề xảy ra trước đây. 
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), kho nhôm này có liên quan tới một trong những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc là Liu Zhongtian, Chủ tịch công ty nhôm khổng lồ China Zhongwang Holdings. Các lãnh đạo doanh nghiệp ngành nhôm của Mỹ từng cáo buộc ông Liu chuyển kho nhôm từ Trung Quốc đến Mexico nhằm trốn thuế của Mỹ. 
Theo dữ liệu vận tải và những người theo dõi chuyến hàng này, có sự kết nối giữa các doanh nghiệp có liên quan tới gia đình ông Liu với kho nhôm đang nằm tại Việt Nam. 
Nhôm ép của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ phải chịu mức thuế lên tới 374%, trong khi Việt Nam chỉ phải chịu thuế 5%. 
Hành trình kho nhôm từ Mexico tới Việt Nam trùng hợp với sự gia tăng xuất khẩu vào Việt Nam từ hai nước Trung Quốc và Mỹ. Số nhôm này được vận chuyển thông qua những cảng biển nằm gần các doanh nghiệp có liên quan tới ông Liu, theo nguồn tin thân cận với WSJ.
Kho nhôm bí ẩn liên quan tới tỷ phú TQ tại Việt Nam bị Mỹ nghi ngờ
Các lô hàng nhôm đang được che bạt đen tại bến cảng ở Vũng Tàu. Ảnh: Vu Trong Khanh/The Wall Street Journal
Chẳng hạn như tính đến tháng 8/2016, 65% kim ngạch xuất khẩu nhôm ép của Mỹ trong năm nay có điểm đến là Việt Nam, trong khi năm ngoái con số này chưa tới 3%, theo dữ liệu của GTIS. Dữ liệu nhập khẩu cho thấy một lượng lớn nhôm nhập khẩu từ Mỹ của Việt Nam trong năm nay đến từ công ty Perfectus Aluminum Inc.
Perfectus từng được sở hữu bởi con trai ông Liu, còn giờ đây được quản lý bởi Jacky Cheung, một đối tác kinh doanh của ông Liu. Jacky Cheung cũng sở hữu Aluminicaste Fundición de México, công ty Mexico quản lý kho dự trữ nhôm tại Mexico nói trên, theo nguồn tin thân cận. Con trai ông Liu lại cũng từng sở hữu Aluminicaste. 
Ông Cheung cũng là một trong những chủ sở hữu của Global Vietnam Aluminum, công ty có nhà máy đặt tại Vũng Tàu, nơi đang lưu trữ một lượng lớn nhôm Mexico này. 
Ông Liu cho biết, ông không có liên quan tới doanh nghiệp của con trai ông tại Mexico hay Mỹ. "Trong chuyện này, tôi không giúp đỡ nó", ông nói với WSJ trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 6/2016 khi đề cập đến Aluminicaste. 
WSJ đã nỗ lực liên lạc với con trai ông Liu nhưng không thành công.
Aluminicaste, vốn phủ nhận quyền sở hữu kho nhôm ở Mexico, đã từ chối đưa ra bình luận. Đồng sở hữu Global Vietnam là ông Cheung cũng không đưa ra bình luận gì. 
Người phát ngôn của China Zhongwang, bà Harriet Lau, cho biết công ty không liên quan tới kho nhôm đang lưu trữ tại Việt Nam. "Về mặt tài chính, hiện không có ý nghĩa thương mại khi lưu trữ các sản phẩm nhôm", bà nói, khi việc vận chuyển và lưu trữ các sản phẩm nhôm khá tốn kém và không tạo ra lợi nhuận cho công ty này. 
Ông Liu, China Zhongwang và Aluminicaste cũng phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào tới kho dự trữ nhôm đã biến mất khỏi Mexico. 
Như đã biết, kể từ đầu năm 2015, khoảng 1,7 triệu tấn nhôm ép trị giá 5 tỷ USD đã được nhập cảng Việt Nam từ Mexico, Trung Quốc và Mỹ, theo GTIS. Điểm nhập nhôm lớn thứ hai thế giới là Hà Lan, một trung tâm kinh doanh kim loại, nhưng chỉ bằng một phần ba của Việt Nam.
Kho nhôm bí ẩn liên quan tới tỷ phú TQ tại Việt Nam bị Mỹ nghi ngờ
Việt Nam nhập khẩu một lượng nhôm lớn từ Mexico, Trung Quốc và Mỹ. Đồ họa: The Wall Street Journal
"Đây là một kho dự trữ khổng lồ", Eoin Dinsmore, chuyên gia phân tích tại công ty kinh doanh nhôm CRU Group tại London cho biết. Ông ước tính, kho trữ nhôm tại Việt Nam chiếm tới 14% tổng lượng hàng tồn kho nhôm trên thế giới. Nếu được bán ra thị trường, khối nhôm này sẽ tác động đáng kể đến giá nhôm, ông nhận định. 
Phần lớn trong số 1,7 triệu tấn xuất sang Việt Nam đi qua cảng biển Vũng Tàu, theo ông Dinsmore, dựa theo hình ảnh vệ tinh cho thấy có một kho nhôm lớn tại đây. Vũng Tàu là cảng biển xuất nhập hàng hóa chính của Global Vietnam Aluminum, công ty Việt Nam duy nhất có thể xử lý một lượng lớn nhôm đến vậy, theo nhận định của Jorge Vazquez, người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường nhôm Harbor Aluminum Intelligence LLC. 
Bộ Thương mại Mỹ trong năm 2010 đã cáo buộc các sản phẩm nhôm của China Zhongwang bán phá giá tại Mỹ, và đã áp mức thuế 374% đối với các sản phẩm của công ty này. Cơ quan hồi đầu tháng 11 cũng cho biết China Zhongwang đã tìm cách "lách luật". Về phía mình, China Zhongwang không hề phản hồi gì với cuộc điều tra thương mại năm 2010. Trong tuyên bố hồi tháng trước, công ty này cho biết đã không còn bán các loại nhôm ép mà Bộ Thương mại Mỹ nhắm đến.
Một chứng cứ khác cho thấy kho nhôm tại Việt Nam có liên quan tới ông Liu. Một lượng lớn nhôm nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc mà phần lớn là từ tỉnh Liêu Ninh, nơi đặt nhà máy của China Zhongwang, theo thông tin từ Boyden Gray, cựu đại sứ Mỹ tại EU đồng thời là đồng sáng lập của Boyden Gray & Associates PLLC. Một đại diện cho ông Gray nói rằng, công ty của ông đang nghiên cứu về China Zhongwang và các hoạt động thương mại của ông Liu. 
"Rõ ràng là các sản phẩm nhôm do Global Vietnam Aluminum nắm giữ được sản xuất bởi China Zhongwang", ông Gray nói và khẳng định rõ ràng mối quan hệ chặt chẽ giữa ông Liu và một số công ty đã đứng sau những chuyến vận chuyển nhôm số lượng lớn tại Mỹ, Mexico và Việt Nam. 
Theo một nguồn tin đáng tin cậy xác nhận với Nhịp Cầu Đầu Tư, các chuyến hàng nói trên được nhập cảng Việt Nam không chỉ có nhôm mà còn bao gồm các sản phẩm đồng. Hiện, các chuyến hàng này đang được nhập về Việt Nam dưới hình thức tạm nhập tái xuất và đang gặp phải một số vấn đề về pháp lý, nguồn tin cho biết.
(Theo Nhịp cầu đầu tư)


Theo Thời đại/Bloomberg,WSJ


Tỷ phú Trung Quốc Liu Zhongtian là người đứng sau Zhongwang Holdings, tập đoàn sản xuất và bán các sản phẩm nhôm ép hiện đang giữ vị trí số 1 ở châu Á và thứ 2 trên thế giới.


Trung tuần tháng 9, tờ Nhật báo phố Wall (Wall Street Journal) đã đưa tin một tỷ phú người Trung Quốc bị cáo buộc giấu gần 1 triệu tấn nhôm, trị giá 2 tỷ USD, bên trong một “pháo đài” được bảo vệ nghiêm ngặt với hàng rào dây thép gai nằm sâu bên trong sa mạc Mexico. Vụ việc làm dấy lên những lo ngại về những ảnh hưởng đến thị trường nhôm và giá nhôm thế giới.
Mới đây tờ báo này lại đưa tin kho nhôm bí ẩn này đã được chuyển về Việt Nam. Dựa trên số liệu xuất nhập khẩu và những nguồn tin thân cận, Wall Street Journal cho rằng kể từ đầu năm nay, 500.000 tấn nhôm đã được chuyển ra khỏi thành phố San Jose Iturbide của Mexico và đưa về Việt Nam. Hiện số nhôm này đang được cất ở một nhà máy tại cảng Vũng Tàu.
Vậy tỷ phú nhiều tai tiếng này là ai?
Tỷ phú Trung Quốc Liu Zhongtian là người đứng sau Zhongwang Holdings, tập đoàn sản xuất và bán các sản phẩm nhôm ép hiện đang giữ vị trí số 1 ở châu Á và thứ 2 trên thế giới.
Theo Bloomberg, tỷ phú Liu Zhongtian sinh năm 1964, tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Hiện ông là một trong những tỷ phú giàu thứ 65 ở Trung Quốc với tài sản trị giá 3,1 tỷ USD.
Liu đã tận dụng tốt những cơ hội khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu cải cách. Khi mới 14 tuổi, với chỉ 200 nhân dân tệ tiền đi vay mà nhiều giấc mơ ấp ủ, ông đã khởi nghiệp bằng cách bán sơn chống cháy cho các nhà máy ở địa phương. Khi thị trường ngày càng mở cửa, Liu thành lập một loạt công ty hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, nhựa và nhôm như Liaoyang Factory, Futian Chemical, Liaoning Cheng Cheng và Hong Cheng.
Năm 1993, ông thành lập công ty TNHH Zhongwang và làm Chủ tịch cho đến tháng 3/2016. Zhongwang đã phát triển thành một tập đoàn lớn mạnh mà Liu là người chèo lái chính với 16 năm kinh nghiệm quản lý và hoạt động trong ngành nhôm ép.
Năm 2003, Liu trúng cử đại biểu quốc hội và giữ cương vị này tới 2 nhiệm kỳ. Ông còn là Phó Chủ tịch Hội thương mại và công nghiệp Liêu Ninh, từng nhận được nhiều bằng khen từ Chính phủ Trung Quốc.
Vị tỷ phú này là người tin vào tăng trưởng “mì ăn liền”. Ông từng nói mục tiêu của Zhongwang là nhảy được 2,3 bước lớn trong 3 đến 5 năm, nếu không tập đoàn sẽ bị “dìm chết” bởi những công ty lớn hơn.
Năm 2009, Zhongwang niêm yết cổ phiếu và huy động được 1 tỷ USD. Trước khi IPO, Liu sở hữu gần 75% cổ phần của tập đoàn.
Zhongwang xuất khẩu nhôm đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Bỉ, Hà Lan, Đức, Anh… Trong 6 tháng đầu năm 2016, 15% doanh thu của tập đoàn đến từ các thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, năm 2010, Bộ Thương mại Mỹ buộc tội Zhongwang bán nhôm dưới mức giá thị trường và đánh thuế chống bán phá giá lên tới 374%. Sau đó các công ty nhôm Mỹ lại buộc tội Liu đã chuyển nhôm đến Mexico nhằm trốn thuế vì như vậy có thể che giấu xuất xứ Trung Quốc. Do bị đánh thuế chống bán phá giá ở Mỹ, các thanh nhôm ép có xuất xứ Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế lên tới 374%; trong khi nhôm xuất từ Mexico được hưởng ưu đãi theo hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ.
Tất nhiên ông Liu và tập đoàn Zhongwang bác bỏ lời buộc tội này.
Việc phát hiện ra 6% lượng nhôm của toàn thế giới, có giá trị 2 tỷ USD và đủ để làm 77 tỷ lon bia bị chôn dưới sa mạc Mexico nhằm trốn thuế đã khiến 2 bên Mỹ - Trung căng thẳng.
Theo Wall Street Journal, lần này Liu lại áp dụng chiến thuật tương tự khi chuyển số nhôm nói trên về Việt Nam. Nhôm ép từ Việt Nam xuất đi Mỹ sẽ chỉ phải chịu mức thuế 5% mà thôi.
Thu Hương
Theo Thời đại/Bloomberg,WSJ

Jumat, 02 Desember 2016

TSKH Phan Hồng Giang: Làm thế nào để chấn hưng đạo đức dân tộc?

 03/12/2016

Tôn Phi  thực hiện
2-12-2016
TSKH Phan Hồng Giang. Ảnh: internet
TSKH Phan Hồng Giang. Ảnh: internet
(VNTB) – Cải cách thể chế xã hội , dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội, theo tôi, là chìa khóa vạn năng, là giải pháp tiên quyết
Vào đầu tháng 9 năm 2016, tiến sĩ Phan Hồng Giang có bài viết được rất nhiều người chú ý và nhiều báo đăng tải đồng loạt, đó là bài viết “ Làm sao ngăn được đà suy thoái về văn hóa?”. Vấn đề bằng cách nào để cứu vãn đạo đức xã hội, bằng cách nào để giảm thiểu tội ác này được ngày càng nhiều tri thức trong ngoài nước trăn trở.
Hội nhà báo độc lập Việt Nam có cuộc phỏng vấn với tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang, từng là viện trưởng viện Văn hoá – nghệ thuật Việt Nam, tác giả của bài luận ngắn trên.  
P.vMến chào tiến sĩ Phan Hồng Giang đã trở lại trong chuyên mục phỏng vấn của Việt Nam Thời Báo. Đạo đức xã hội xuống cấp, suy đồi đang trở thành một vấn nạn đáng báo động. Tăng cường nhiều công an tư tưởng, cảnh sát, xây nhiều nhà tù, có thể là nơi giáo dục đạo đức, răn đe  cộng đồng bớt phạm tội lâu dài được hay không?
TSKH Phan Hồng Giang (P.H.G.) :   Quả là đạo đức xã hội  đang suy đồi, đáng báo động ở mức cao nhất. Tăng cường nhiều công an tư tưởng là việc không nên làm, vì  bản thân suy nghĩ – tư tưởng mới tồn tại trong đầu hoặc thể hiện qua lời nói, chữ viết ôn hòa thì chưa thể là  – vàkhông thể bị coi là – hành vi phạm tội. Còn tăng cường lực lượng cảnh sát, xây thêm nhà tù… ở khía cạnh trấn áp tội phạm, chừng mực nào đó, cũng có tác dụng ngắn hạn giáo dục đạo đức ( ở mức tối thiểu là không vi phạm pháp luật). Và thực ra, theo tôi, tác dụng này cũng không quá lớn: Bằng chứng là dù số lượng cảnh sát đã tăng cao đến mức kỷ lục, nhà tù liên tục được mở rộng, xây thêm thì vẫn không đủ chỗ để nhốt tội phạm sinh sôi nẩy nở như nấm sau mưa !
Về lâu dài thì cần áp dụng biện pháp căn cơ, sâu xa hơn :Tính cách con người chủ yếu là do hoàn cảnh tạo ra; muốn cải tạo tính cách theo chiều hướng Chân-Thiện-Mỹ thì trước tiên phải tập trung cải tạo hoàn cảnh – sao cho môi trường xã hội trở nên tử tế, hợp đạo lý hơn.
P.vCó một ý kiến so sánh thế này: Người châu Phi cũng nghèo, thậm chí tính về thu nhập bình quân đầu người thì còn nghèo hơn Việt Nam. Nhưng cái nghèo ở châu Phi không làm cho con người ta rơi vào vòng tội lỗi, dân nghèo ở châu Phi vẫn có tâm hồn trong sáng, trong khi cái nghèo ở Việt Nam lại biến nhân dân thành những người “đa nhân cách”. Theo tiến sĩ Phan Hồng Giang thì “đa nhân cách” có phải là hiện trạng chung của dân Việt Nam, và  có nguy hiểm cho  cá nhân và cộng đồng hay không?
TSKH Phan Hồng Giang: Cách đây 15 năm tôi có dịp đi dự một Hội thảo về văn hóa ở Cộng hòa Benin, miền Trung Phi. Khi dạo chơi ngoài phố, tôi ngạc nhiên đầy thú vị khi thấy các xe máy không gắn biển số và hầu hết người dân khi dừng đậu xe ở vỉa hè vào cửa hàng hay đi đâu đó đều  không phải làm cái động tác đã thành bản năng ở xứ ta là… khóa xe !  Nghĩa là người dân Benin, tuy chưa phải là giàu có gì nhiều, đã không thường xuyên bị đe dọa bởi nạn ăn cắp xe, trong khi ở xứ ta dù xe đã khóa vẫn có thể …bốc hơi chỉ 5-7 giây sau khi chủ xe khuất mắt !  Ở ta không gì có thể không bị mất cắp:  từ gương chiếu hậu, đèn tín hiệu, hộp số xe máy đến biển số (!) xe hơi (người bị mất đành cắn răng ra Chợ Giời tìm hỏi mua lại chính biển số xe của mình (!). Thật là một kiểu ăn cắp độc nhất vô nhị trên cả thế giới diễn ra  công khai trước mũi người ngay và… công an !
Sự phổ biến của nạn dân ta ăn cắp đã trở nên khá nổi tiếng ở các nước như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… Nhiều cửa hàng ở các nước đó đã phải treo biển cảnh báo về nạn ăn cắp bằng… tiếng Việt ! Dù các cụ đã dạy : “Bần cùng sinh đạo tặc”, nhưng xin nói ngay rằng ăn cắp phần lớn không phải do nghèo. Phi công, tiếp viên hàng không bị bắt vì trộm cắp ở Nhật đâu phải vì nghèo ? Bị bắt vì trộm kính đeo mắt trong cửa hàng miễn thuế ở sân bay Thái Lan là Giám đốc một Công ty lớn…
Anh nhắc đến  căn bệnh “đa nhân cách” của nhiều người dân ta, theo tôi,  cũng là một cách lý giải dễ thuyết phục. Theo tôi, nên dùng chữ “rối loạn nhân cách” hay “lệch lạc nhân cách” thì độc giả bình thường dễ hiểu hơn. Dù về cơ bản, “rối loạn nhân cách” được hiểu như một căn bệnh – bệnh tâm thần phân liệt. Nhưng hiểu là bệnh như thế, theo tôi, dễ dẫn đến chỗ không còn coi ăn cắp là một tội hình sự, một hành vi vô đạo đức. Nếu không kịp thời chú trọnggiáo dục nhân cách, không nghiêm khắc áp dụng chế tàiđủ mạnh đối với vấn nạn trộm cắp thì  các cá nhân và cộng đồng ở xứ ta còn phải chịu bất an dài dài. (Xin nhắc : theo Luật Hồi giáo cực đoan, kẻ trộm cắp phải bị … chặt tay !).
P.vVừa rồi có vụ các cô giáo bị ép đi tiếp khách, bộ trưởng giáo dục thì đứng về phía những người ép các cô làm lễ tân. Thật khó mà tin cậy  vào ngành giáo dục là nơi rèn luyện nhân cách được nữa. Nhiều người già nói rằng do thiếu sự đào luyện tôn giáo và tâm linh, người dân Việt Nam mất đi cảm thức về phúc đức và tội lỗi, cho nên không ngừng phạm tội. Tiến sĩ Phan Hồng Giang có nhận định thế nào về ý kiến này?
TSKH Phan Hồng Giang: Câu chuyện xoay quanh việc các cô giáo ở thị trấn Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, bị cấp trên “giao nhiệm vụ” đi tiếp khách cho các quan chức ăn nhậu làm dư luận phải  nghi ngờ về năng lực rèn luyện nhân cách của các nhà quản lý ngành giáo dục. Đặc biệt đáng thất vọng là ông “tư lệnh” ngành giáo dục, một vị GS,TS chữ nghĩa bề bề, lại thể hiện một tư duy lệch lạc: trước Quốc hội, trước bàn dân thiên hạ, vị này gọi  đó  là “chuyện vui vẻthôi mà” ! Trả lời cánh báo chí, ông dạy dỗ các cô giáo “trước hết phải tự trách mình đã không biết từ chối” công việc không phải của mình ! Ông như người ở trên trời vừa rơi xuống hay sao mà  không biết tai họa nào sẽ chắc chắn  đổ xuống đầu các cô gái trẻ nếu họ dám từ chối “nhiệm vụ chính trị” (!) mà quan trên đã đắc chí áp xuống ! Các cô giáo vốn là nạn nhân, thay vì được thương xót bênh vực thì lại bị phê phán ! Thật là ngược đời !
Câu chuyện trên, nói cho đúng ra, chỉ là điều thất vọngnhỏ trong vô số những điều gây thất vọng lớn hơn nhiều trong “sự nghiệp trồng người” – từ triết lý giáo dục bất cập; chương trình – sách giáo khoa thiếu hệ thống, nhiều lý thuyết yếu thực hành; coi nhẹ truyền bá kỹ năng sống; phương pháp giảng dạy thiếu sáng tạo… đến cách thi cử nặng nề; chất lượng giáo viên còn xa mới đạt yêu cầu; thái độ học tập đối phó; nạn dạy thêm, học thêm tràn lan;  bạo lực học đường không còn hiếm thấy v.v…
Quả là  như anh vừa nhắc, “thiếu sự đào luyện tôn giáo và tâm linh”, người dân chúng ta nhiều khi “mất đi cảm thức về phúc đức và tội lỗi”.  Khi con người không còn tin vào điều gì thiêng liêng, không còn biết sợ bất kỳ điều gì – sản phẩm cực đoan của chủ nghĩa vô thần – thì họ chỉ còn cách hành động phạm tội một gang tay !  Những báu vật trong các chùa chiền ở khắp các miền quê đã tồn tại hàng trăm năm không ai dám động đến vì sợ bị “Thánh vật”. Còn bây giờ dù cửa đóng then cài thì sểnh ra là bị đạo chích rinh mất như tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Mễ Sở – Hưng Yên đã 2 lần bị bọn trộm vô đạo hỏi thăm…
P.vTrong bài báo “Làm sao ngăn được đà suy thoái về văn hóa”, tiến sĩ đưa ra giải pháp thúc đẩy quyền tự do dân chủ, vì thể chế xã hội là điều tác động mạnh nhất đến văn hóa nói riêng. Liệu có giải pháp nào để cải thiện đạo đức dân tộc mà không đi qua con đường tự do dân chủ không? Giải pháp đó có cấp bách hay không?
TSKH Phan Hồng Giang: Cải cách thể chế xã hội , dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội, theo tôi, là chìa khóa vạn năng, là giải pháp tiên quyết, căn bản, lâu dài để  ngăn chặn đà suy thoái của văn hóa – trước hết là văn hóa đạo đức, rồi từ đó xây dựng được một nền văn hóa đạo đức tử tế, lương thiện, bền vững. (Điều này phần nào tôi đã giải thích  trong bài báo anh đã nhắc đến).
Đã là giải pháp căn bản, lâu  dài thì khó có thể là cấp bách, phải làm  được trong ngày một ngày hai.
Tôi nghĩ, nếu nhận được sự đồng thuận xã hội, nếu được các nhà lãnh đạo  “bật đèn xanh” thì đạo đức xã hội có thể được cải thiện thông qua việc thấm nhuần sâu sắc, thực chất và rộng khắp các giáo lý cao đẹp của tôn giáo. Thực tế đã chứng minh rằng ở những nước theo quốc đạo là Phật giáo như Lào, phạm đều rất thấp, (Myanmar dù còn rất nghèo, vẫn đứng đầu  Bảng xếp hạng các nước trên thế giới về mức độ làm từ thiện). Ngay ở nước ta, những vùng công giáo toàn tòng (như ở Hải Hậu, Bùi Chu, Phát Diệm…) các vấn nạn trộm cắp, nghiện ngập, ly hôn… đều rất ít xẩy ra. Vai trò tích cực của tôn giáo ở đây là rất rõ ràng.
P.v: Dù sao thì vẫn phải thừa nhận giáo dục vẫn là một trong những mặt trận cốt yếu để cứu vãn đạo đức xã hội. Theo tiến sĩ Phan Hồng Giang, bản thân nền giáo dục Việt Nam có những tiền đề tự thân để có thể thanh lọc bản thân và trở lại thành một nơi giáo dục con người một cách nhân bản, ít nhất là như các triều đại trước hay không?
TSKH Phan Hồng Giang: Đương nhiên phải thừa nhận giáo dục là lĩnh vực mà nhiều người nghĩ đến đầu tiên khi đi tìm giải pháp chấn hưng văn hóa.
Bên cạnh những điểm yếu dễ thấy, tôi rất tin là nền giáo dục nước ta, may mắn là còn có, như chữ dùng của anh, “những tiền đề tự thân” để có thể “thanh lọc bản thân và trở lại thành một nơi giáo dục con người một cách nhân bản”. Đa số các thầy cô tận tụy với nghề, phụ huynh đều  mong muốn con em mình “nên người”, học sinh đều muốn “học ít, biết nhiều”, cả nước từ trên xuống dưới đều khát khao “đổi mới căn bản và toàn diện” lĩnh vực giáo dục sao cho các “sản phẩm giáo dục” có thể sớm đáp ứng yêu cầu xây dựng được một nước Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh, toàn dân  hạnh phúc, tự do.
Bởi xét cho tới cùng, nhân bản vị tha là phương cách duy nhất để cho loài người tồn tại. Sự độc ác, tồi tệ giữa con người với nhau, sự tụt dốc không phanh của văn hóa chỉ làsản phẩm nhất thời của một thời loạn lạc vô đạo, khi hệ thống giá trị bị đảo lộn, đồng tiền bất chính lên ngôi, bạo lực được tôn vinh thành chủ thuyết phát triển, dối trá ăn vào máu, con người trở nên vô cảm  trước tai họa của đồng bào và Đất nước.
Xin được cám ơn tiến sĩ Phan Hồng Giang đã dành thời gian quý báu cho độc giả Việt Nam Thời Báo. Mến chúc ông có được nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Hết trò...giải trí, dân Việt "điên" lên vì bóng đá


Cảnh sát cứu người bị kẹt trong đám đông chen lấn mua vé vào sân Mỹ Đình

Sáng nay (3/12), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã tổ chức các quầy bán vé trận Việt Nam - Indonesia trên sân Mỹ Đình vào tối ngày 7/12 cho người hâm mộ.
Ngay từ sáng sớm, dòng người đã xếp thành hàng dài chờ đến lượt vào mua vé.
Do thời gian bán vé có hạn, từ 7h00 sáng ngày 3/12/2016 cho tới 17h00 cùng ngày (hoặc tại thời điểm hết vé trước 17h00 ngày 3/12/2016) nên ai cũng muốn chen vào để mua được vé.
Theo quan sát của phóng viên Infonet, tuy chưa đến giờ mở cửa nhưng cảnh chen lấn, xô đẩy đã xảy ra ở dòng người chờ vào mua vé.
Nhiều người bị mắc kẹt đã phải nhờ sự hỗ trợ của người khác mới thoát ra khỏi đám đông.
Lực lượng CSCĐ đã phải rất nỗ lực vừa ổn định trật tự, vừa đưa người bị mắc kẹt ra ngoài.
Một người to khoẻ bị kiệt sức trước sự xô đẩy của dòng người.
Thanh niên bị chen rơi giày giữa biển người.
BTC sẽ phát tích kê tại các cửa vào theo từng đợt (10 người/đợt) để cho vào sân, mỗi người 01 tích kê, mỗi tích kê được mua tối đa 04 vé; sau khi được phát tích kê, người mua vé sẽ được BTC hướng dẫn vào các bàn bán vé trong sân để mua vé.
Hoàng Nam

Trách nhiệm của Ban Tổ chức TW, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Tỉnh ủy Hậu Giang tới đâu trong vụ luân chuyển, đề bạt “chui” Trịnh Xuân Thanh ? ( Phần 2)

Phạm Viết Đào.

Bài liên quan:

>

Kết quả hình ảnh cho Đàn voi

Qua thông tin báo chí đưa tin: UBKT Trung ương đã tiến hành kiểm tra, kết luận, ban hành các hình thức kỷ luật và đề nghị các thức kỷ luật đối với một số quan chức của Đảng tại 4 cơ quan trên do liên đới chịu trách nhiệm về việc điều chuyển, luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh từ PVC về Bộ Công thương rồi về Hậu Giang.
Cụ thể:
1/ Đề nghị cảnh cáo ông Trần Lưu Hải-nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương;
2/ Cảnh cáo đồng chí Bùi Cao Tỉnh, nguyên Vụ trưởng, nguyên Trợ lý đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

3/ Khiển trách đồng chí Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020.
4/ Đề nghị cảnh cáo ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015
5/ Đề nghị cảnh cáo ông Vũ Huy Hoàng, nguyên UVTW Đảng, Nguyên BT Bộ Công thương
6/ UBKT đề nghị Ban Bí thư xem xét hình thức kỷ luật đối với ông Nguyễn Duy Thăng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ;
7/ UBKTTW chỉ đề nghị Ban cán sự Bội Nội vụ kiểm điểm nhưng miễn xử lý ký luật với Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ…
Để đánh giá mức độ công minh và hiệu quả của các thứ “ thuốc đặc trị” (các hình thức kỷ luật) đã đủ độ răn đe, ngăn chặn đại dịch đang lây lan đó là các loại tội phạm trong guồng máy đảng và Chính phủ đang sinh sôi nảy nở như dòi bọ; Người viết sẽ xin đi sâu vào bản chất vụ việc và các dữ liệu có liên quan tới các phi vụ mà các quan chức trên nhúng tay qua các thông tin báo chí ít ỏi, nửa kín nửa hở…

Vụ việc Trịnh Xuân Thanh có 2 công đoạn điều động bổ nhiệm sai

Công đoạn thứ nhất: Điều động Trịnh Xuân Thanh từ chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC về Bộ Công thương đảm nhận một số vị trí quan trọng tại Bộ Công thương. Về công đoạn này, UBKTTW có kết luận như sau bằng giấy trắng mực đen:
Theo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ.
Trong đó, đáng chú ý là việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh và một số cán bộ vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện.
Cụ thể, Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương đã đánh giá, quy hoạch cán bộ một số trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình; để ông Vũ Huy Hoàng, Bí thư Ban Cán sự Đảng tự ý đề nghị phê duyệt bổ sung quy hoạch chức danh Thứ trưởng Bộ Công thương đối với Trịnh Xuân Thanh.
Ông Trịnh Xuân Thanh đã có một thời gian dài làm việc tại Bộ Công thương với nhiều vị trí khác nhau. Trước đó, ông Thanh từng là Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) thuộc PVN từ tháng 2/2009 đến tháng 5/2013.
Đến tháng 9/2013, thời điểm con số lỗ của PVC lên tới hàng nghìn tỷ, ông Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rời khỏi vị trí chủ tịch PVC và được bổ nhiệm giữ chức Phó chánh văn phòng Bộ Công thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng.
Không lâu sau đó, ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương. Đến tháng 5/2015, ông Thanh tiếp tục được luân chuyển làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
Liên quan đến việc bổ nhiệm ông Thanh, Ban Bí thư từng kết luận: Đồng chí Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty.
Mặc dù đồng chí không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo Thông báo kết luận số 146-TB/TW, ngày 04/10/2013 của Bộ Chính trị khóa XI. Nhưng đồng chí vẫn đề nghị và để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện sự thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu…”
Cái công đoạn này có 3 cơ quan phải chịu trách nhiệm chính đó là:
- Bộ trưởng Bộ Công thương và bộ máy giúp việc của BT Bộ Công thương
- Bộ trưởng Bộ Nội vụ và bộ máy giúp việc của Bộ Nội vụ vì: mọi sự điều động cán bộ cấp vụ trong bộ máy của Chính phủ đều phải được Bộ Nội vụ chuẩn y thì mới được phep ký
- Ban tổ chức TW, với việc bổ nhiệm các cán bộ hàm vụ trưởng sẽ có một Phó Ban Tổ chức được phân cấp theo dõi và cho ý kiến việc này…
Vị này phải liên đới chịu trách nhiệm vì chắc chắn BT Bộ Công thương phải báo cáo Ban tổ chức TW việc điều Trịnh Xuân Thanh từ Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC lên đảm nhận một số chức danh hàm cấp Vụ trưởng của Bộ này ?
Từ tháng 9/2013 Bộ Chính trị đã có kết luận về năng lực, phẩm chất của Trịnh Xuân Thanh cùng với các hậu quả gây ra của Trịnh Xuân Thanh đã gây ra ở PVC với chức trách Chủ tịch Hội đồng quản trị, thế mà Trịnh Xuân Thanh vẫn được trọng dụng, bất chấp kết luận của Bộ Chính trị ?
Vậy hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vũ Huy Hoàng đã công minh và thỏa đảng chưa ?
Trong các vụ việc ở công đoạn 1 này, kết luận của UBKTTW đã không đả động gì đến trách nhiệm của các quan chức Ban tổ chức TW, tảng lờ, để mặc BT Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đưa Trịnh Xuân Thanh về Bộ như vào chỗ không người, đảm trách nhiều cương vị hàm Vụ trưởng ? Như vậy, UBKTTW đã hoàn thánh trách nhiệm “ chẩn trị bệnh”, đã công minh và thỏa đáng chưa khi kết luận mức độ ngã bệnh cũng như các hình thức chẩn trị ?
Đối với Bộ Nội vụ, UBKTTW đã có kết luận như sau về trách nhiệm của Thứ trưởng Trần Anh Tuấn trong công đoạn 1:”Đồng chí Trần Anh Tuấn có vi phạm, khuyết điểm trong việc thẩm định, cho ý kiến về việc tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm ngạch và xếp lương công chức cho Trịnh Xuân Thanh; thiếu kiên quyết, không đề xuất, kiến nghị với Bộ Công Thương để thu hồi, hủy bỏ các quyết định sai trái trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh…”
Khuyết điểm to như vậy, lờ cho “lâm tặc” Trịnh Xuân Thanh được Bí thư Bán cán sự Đảng Vũ Huy Hoàng “bảo kê” nên đã hoành hành trong khu “rừng hoang” Bộ Công thương, nhưng “ kiểm lân viên” Trần Anh Tuấn chỉ bị UBKTTW đề nghị Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ kiểm điểm và miễn xử lý kỷ luật Đảng:
“Các vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chưa đến mức phải thi hành kỷ luật. Yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, sâu sắc và có biện pháp khắc phục…”
Do Trịnh Xuân Thanh được bảo kê, dung túng của một số quan chức, “kiểm lâm viên” ngay từ những bước chân bước vào “khu rừng rậm” Bộ công thương để rồi sau này để lại bao hậu họa thế mà chỉ bị cảnh cáo, khiển trách, nhắc nhở thì ký luật đảng là cái thứ gì vậy ???

( Còn nữa )