Nếu Ấn Độ đề cập đến vấn đề Biển Đông tại hội nghị G20 ở Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ "trả thù" tại hội nghị thượng đỉnh BRICS, do Ấn Độ đăng cai vào tháng 10 tới.
Thủ tướng Ấn Độ Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Đó là “lời đe dọa” được tờ Nhân Dân Nhật Báo số ra hôm qua đưa ra trong bài xã luận.
Số là Trung Quốc đang lo ngại tại hội nghị G20 sắp tới, Mỹ có thể sẽ nêu lên vấn đề Biển Đông. Và nếu Mỹ nêu lên, thì có khả năng là Nhật Bản hay Ấn Độ sẽ phụ họa.
Nhưng do không thể tác động lên Mỹ hay Nhật Bản, Trung Quốc đã quay sang Ấn Độ. Trước hết, Trung Quốc giơ cây gậy của mình ra với Ấn Độ. Đó là nếu Ấn Độ đề cập đến vấn đề Biển Đông tại hội nghị G20, Bắc Kinh sẽ "trả thù" Ấn Độ trong hội nghị thượng đỉnh BRICS, được tổ chức ở Ấn Độ sắp tới.
Ngược lại, nếu New Delhi “nghe lời”, thì Trung Quốc, ngoài việc không phá hội nghị BRICS, mà còn sẽ hỗ trợ Ấn Độ trong việc gia nhập nhóm các quốc gia cung ứng nhiên liệu hạt nhân.
Theo giới phân tích, “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc có thể là không có hiệu quả. Lời đe dọa trả đũa Ấn Độ tại hội nghị thượng đỉnh khối BRICS sẽ khó có thể thực hiện được vì lẽ Trung Quốc không thể nào để cho hội nghị của một khối trong đó Bắc Kinh đóng vai trò chủ đạo lại bị thất bại, một hội nghị được Bắc Kinh xem là cơ hội quan trọng để tăng cường “hình ảnh tích cực quốc tế” của mình trên toàn thế giới.
Trên thực tế, Trung Quốc không có phương tiện hiệu quả để gây sức ép trên Ấn Độ. Mặc dù Ấn Độ cần sự giúp đỡ của Trung Quốc trong quan hệ với Pakistan, nhưng Bắc Kinh lại cần đến New Delhi nhiều hơn trong các lĩnh vực khác nhau: Tây Tạng, Đài Loan, Tân Cương...
Mặt khác, “củ cà rốt” của Trung Quốc đối với Ấn Độ có vẻ hấp dẫn. Ấn Độ muốn gia nhập câu lạc bộ các nhà cung cấp hạt nhân, nhưng vẫn lo ngại trước sự bành trướng của Trung Quốc. Trên vấn đề Biển Đông, yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh không được nhiều hậu thuẫn quốc tế lắm, do đó rất có khả năng là Ấn Độ sẽ lên tiếng về Biển Đông một khi đề tài này được Mỹ hay các nước khác nêu lên.
Từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền, Ấn Độ đã có chủ trương can dự mạnh mẽ hơn vào hồ sơ Biển Đông. New Delhi luôn luôn khẳng định sự cần thiết phải bảo vệ quyền tự do hàng hải và tự do thương mại ở Biển Đông.
Còn nhớ hồi giữa tháng 8, trước khi ông Modi thăm Việt Nam, Trung Quốc cũng bắn tiếng với New Delhi là không nên để vấn đề Biển Đông phá hoại tiềm năng hợp tác to lớn giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Th.Long
EmoticonEmoticon