Tác giả: Duy Tuấn
.KD: Khốn khổ Việt Nam quê hương tôi. Nhìn những hình ảnh này chỉ muốn khóc!
——————–
Vợ chồng Lê Văn Sỹ cùng con và bà nội đã leo trần nhà từ tối qua, khi cơn lũ bất ngờ ập về. Tài sản chắt góp bao năm đã bị lũ cuốn trôi.
10h sáng nay, PV VietNamNet tiếp cận được xóm Thái Thượng, một trong những xóm ngập nặng nhất của xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh chịu thiệt hại lớn từ trận lũ thuỷ điện xả chiều tối qua.
Mẹ, vợ và con anh Sỹ kịp leo trần nhà trốn lũ |
Chiếc thuyền vừa tới cửa nhà, mẹ, vợ và con anh Lê Văn Sỹ đã ló đầu từ trần nhà ra nhìn, ánh mắt mệt mỏi vì chạy lũ.
“Lũ về nhanh quá chú ạ, chỉ trong 1 tiếng đồng hồ cả làng cả xã đã ngập sạch. May có chạn (trần nhà) để 3 bà cháu mẹ con trốn lên kịp. Chồng tôi đã cố di chuyển đàn gà và tivi, nhưng không thể kịp. Từ sáng giờ không có gì ăn. Mất hết rồi”, chị Lê Thị Văn, vợ anh Sỹ kể.
Đồ đạc trong nhà ngập hết |
Trưởng thôn Thái Thượng Nguyễn Kim Thanh nói rằng, trận lũ tối qua đã vượt ngưỡng lũ lịch sử 2010. Ghê hơn là người dân hoàn toàn bất ngờ nên không kịp trở tay.
Nước lũ thuỷ điện về như đuổi sau lưng, tiếng la hét của người dân vang động cả xóm. Những nhà ở xa đường tàu chịu thiệt hại rất lớn do không kịp sơ tán gia súc gia cầm, tài sản”, ông Thanh nói.
Ông nói thêm, nếu tiếp tục ngập lụt như thế này, người dân sẽ không còn gì ăn. Lương thực thực phẩm, nước sạch không có, điện thì mất. Rất cần sự trợ giúp của chính quyền.
Ông Lưu Văn Quý, 85 tuổi may mắn thoát chết đêm qua. Khi cơn lũ ập về, ông chỉ có một mình trong nhà. Nước dâng quá nhanh, ngập quá bàn thờ, tủ gỗ đã đổ sập xuống, may mà không đè trúng ông đứng cạnh đó.
Tới 23h đêm, ông Quý đã dùng thang leo lên các vì kèo trần nhà, và ngồi ở đó tới sáng thì con cái đến đỡ xuống. Cảnh nghèo khổ bao năm, nay lại thêm muôn vàn khó khăn khi nước lũ đã làm hư hỏng toàn bộ đồ đạc trong nhà.
Sáng nay, nước đã rút nhiều nhưng tại nhà ông Cao Xuân Cảnh, nước vẫn ngập trong nhà 1m. Toàn bộ vật dụng trong nhà đều bồng bềnh trong nước lũ.
“Thôn chúng tôi chưa từng ngập lụt thế này. Nước về quá nhanh khiến chúng tôi chỉ kịp di tản con cái lên vùng cao, còn hai vợ chồng trụ lại để tiếp tục sơ tán gia súc gia cầm lên đường tàu và trực lũ suốt đêm”, vợ ông Cảnh nói.
Hình ảnh thôn Thái Thượng, xã Lộc Yên:
———-
Đọc thêm:
Quảng Bình ngập trong mưa
Tác giả: theo Tuổi trẻ
Mưa lớn vẫn tiếp tục đổ xuống Quảng Bình, triều cường tại các cửa sông tiếp tục dâng. Nhiều vùng của tỉnh này gần như tê liệt và ngập trong nước lũ…
Mưa lũ gây ngập sâu ở phường Đồng Sơn (TP Đồng Hới, Quảng Bình) nên nhiều người dân phải bơi về nhà – Ảnh: ĐÌNH PHONG |
Những người dân và cán bộ Ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình đều phải thốt lên: Chưa bao giờ lại có một đợt mưa khủng khiếp và dồn dập như thế đổ xuống Quảng Bình!
Đồng Hới: nhiều người phải “bơi” về nhà
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đến 19g ngày 14-10, hầu hết các tuyến đường tại TP Đồng Hới vẫn ngập trong nước, có nơi ngập sâu gần 1m. Những tuyến đường huyết mạch như Trần Hưng Đạo, Hữu Nghị, Lý Thường Kiệt bị nước lũ làm tê liệt hoàn toàn.
Tại phường Đồng Sơn, phía tây TP Đồng Hới, từ khoảng 16g nhiều người dân phải “bơi” về nhà bởi nước lũ dâng lên rất nhanh trên các tuyến đường ở mức 1,5m, có nơi ngập sâu trên 2,5m.
Đường Hồ Chí Minh
bị chia cắt
Tại huyện Minh Hóa, do nằm ở thượng nguồn của nhiều con sông lớn, địa hình núi dốc nên nhiều nơi sớm bị cô lập. Xã Tân Hóa là nơi bị ngập sâu nhất sau trận mưa chiều 14-10.
Theo ông Đinh Hữu Niên, chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, gần như toàn xã Tân Hóa đã bị ngập. Mực nước nơi cao nhất lên đến gần 3m. Chính quyền xã đã triển khai di dời những hộ dân ở vùng trũng thấp lên những vùng cao hơn và những nhà nổi chống lũ.
Chiều cùng ngày, tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện này sau những trận mưa lớn liên tục đã ngập sâu và chia cắt ở nhiều đoạn. Cụ thể, đoạn qua xã Thượng Hóa nước ngập gần 2m. Đoạn qua đèo Đá Đẽo (xã Xuân Trạch, Bố Trạch) bị chia cắt do nhiều điểm sạt lở…
Ông Nguyễn Ngọc Phụng, chánh văn phòng Ban phòng chống lụt bão tỉnh, cho biết ban đầu theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, lượng mưa trong đợt mưa lũ này chỉ vào khoảng trên dưới 350mm. Nhưng đến cuối giờ chiều cùng ngày, các trạm quan trắc của đơn vị này đã đo được lượng mưa cao gần gấp đôi con số trên.
Tính đến cuối ngày 14-10, toàn tỉnh Quảng Bình có 2 người bị nước lũ cuốn trôi mất tích và 2 người khác tử vong vì mưa lũ.
“Hiện mưa vẫn tiếp tục trút xuống, triều cường vẫn đang dâng. Nhiều khả năng sáng 15-10 tất cả các sông trên địa bàn tỉnh sẽ vượt mức báo động 3 và gây ngập lụt trên diện rộng. Nguy cơ về một trận lũ lịch sử là hoàn toàn có thể xảy ra” – một cán bộ Ban phòng chống lụt bão Quảng Bình nói.
Người dân vật lộn trong mưa và nước ngập tại phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới chiều 14-10 – Ảnh: ĐÌNH PHONG |
Đường sắt Bắc – Nam bị tê liệt
Ngày 14-10, đường sắt Bắc – Nam đoạn qua Quảng Bình bị tê liệt vì ngập nước, xói lở phải dừng chạy tàu. Cụ thể, có 10 đoàn tàu chở khách và 12 đoàn tàu hàng phải nằm dọc đường chờ thông tuyến.
Theo ông Tạ Mạnh Thắng – trưởng ban an toàn giao thông (Tổng công ty Đường sắt VN), trong ngày các đơn vị thuộc đường sắt đã triển khai khắc phục các vị trí bị sạt lở để thông tàu. Tuy nhiên đến 18g30, mưa ở Quảng Bình vẫn to và nhiều đoạn đường sắt vẫn bị ngập nước.
Trưa 14-10, tàu SE19 chạy từ Bắc vào Nam sau khi qua ga Lệ Sơn (huyện Tuyên Hóa) đã bị kẹt lại. Bà Phùng Lý Hà – phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội – cho biết trên tàu SE19 có 142 hành khách, trong đó có 96 khách người nước ngoài.
Chiều tối cùng ngày, đoàn tàu SE19 đã được kéo ngược về ga Lệ Sơn. Do nước lũ dâng cao, hành khách vẫn ở lại trên tàu và được phục vụ ăn uống miễn phí.
Huế: 1 người mất tích
Ngày 14-10, ông Phan Thanh Hùng, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết đến cuối giờ chiều cùng ngày lực lượng chức năng vẫn đang được huy động để tìm kiếm chị P.T.L. (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) bị nước cuốn trôi khi đang néo buộc dây thuyền trên cảng Thuận An.
Ngoài ra, nước lũ từ thượng nguồn đổ về gây ngập cục bộ trên 186 ngôi nhà ở huyện Phong Điền. Ngập nặng nhất là ở xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền), có nơi nước dâng cao hơn 1,5m. Nhiều hàng hóa của các tiểu thương ở chợ Phong Mỹ (xã Phong Mỹ) bị chìm trong biển nước.
Hà Tĩnh
lũ đang dâng Tối 14-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Vinh – chánh văn phòng Ban phòng chống lụt bão huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh – cho biết hai ngày nay trên địa bàn huyện Hương Khê có mưa to và rất to cùng với lũ ở thượng nguồn đổ về lớn khiến lũ lên nhanh trên sông Ngàn Sâu. Hiện nay tuyến đường nối từ TP Hà Tĩnh với Hương Khê bị chia cắt. Theo ông Vinh, những xã như Lộc Yên, Hương Đô, Hương Thủy, Hương Giang bị ngập rất nặng, mọi con đường đều bị chia cắt. Ông Hoàng Xuân Tần – chủ tịch UBND xã Phương Mỹ – cho biết đến tối 14-10 nước lũ tại xã này đang lên nhanh, toàn bộ xã bị cô lập hoàn toàn. |
Bão vào Biển Đông lúc triều cường đạt đỉnh Một cơn bão có tên quốc tế Sarika (tên do Campuchia đề xuất) được dự báo sẽ vượt qua đảo Luzon (Philippines) vào Biển Đông và trở thành bão số 7 vào khoảng ngày 16-10, cùng thời điểm triều cường sông Sài Gòn ở mức cao. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, từ hôm nay (15-10), đỉnh triều cường trên sông Sài Gòn ngày càng tăng dần. Cụ thể đỉnh triều đạt 1,55m xuất hiện lúc 4g30 và đỉnh triều buổi chiều đạt 1,46m lúc 14g. Ngày 16-10, đỉnh triều đều đạt 1,59m lúc 5g sáng và 17g. Thời gian triều đạt mức cao nhất là ngày 17-10 với đỉnh đạt 1,63m lúc 5g30 và 1,65m lúc 17g30, sau đó triều sẽ hạ dần trong các ngày tiếp theo. Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, với đỉnh triều 1,5m trở lên sẽ có 9 tuyến đường bị ngập (chưa kể các tuyến đường do quận huyện quản lý). Trong đó, hai tuyến đường ngập nặng là Lương Định Của (Q.2), Huỳnh Tấn Phát (Q.7), 7 tuyến đường ngập nhẹ: Nguyễn Văn Hưởng, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, tỉnh lộ 10, đường 26. Trước diễn biến mưa lũ và bão Sarika đang hướng vào Biển Đông, chiều 14-10 Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện gửi ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh thành cùng các bộ ngành liên quan yêu cầu triển khai công tác phòng chống. ———- |
EmoticonEmoticon