Những hình ảnh lũ lụt tang thương ở Hà Tĩnh và Quảng Bình trong tuần qua khiến những ai vô tình nhất cũng không thể cầm lòng. Chưa kịp chia sẻ với bà con, nay cơn bão số 7 lại tràn tới…
Trời như thách đố phận nghèo. Vùng đất vốn đã xơ xác sau “nhân tai” Formosa giờ đây lại tiếp tục nhận thêm cơn “nhân tai” mới từ thủy điện và cơn thịnh nộ ắt phải đến của Mẹ Thiên Nhiên.
Một câu hỏi quay quắt là tại sao, năm nào cũng thế, cái đòn gánh thân thương gánh cả hai đầu đất nước lại luôn phải hứng chịu thảm họa thiên nhiên và những hình ảnh thương tâm thế này cứ lặp đi lặp lại? Nếu bão, lũ là “đặc sản” do điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý của vùng đất này thì phải tìm cách để chung sống được với nó. Nếu úng lụt là hậu quả do con người gây ra thì lại càng không thể bó tay mà phải tìm ra giải pháp khắc phục bằng được.
Tôi sang Israel. Tò mò thấy ở đâu cũng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Tìm hiểu thêm mới biết đó là phát minh đặc biệt đã có bản quyền khắp thế giới của người Israel. Hoàn cảnh vị trí địa lý khắc nghiệt của đất nước đã buộc con người ở đây phải nghĩ ra cách làm sao trồng được cây cỏ trên sa mạc cùng với giải pháp sử dụng nước tưới cho cây một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất.
Có lần tôi đến thăm Edmonton – thành phố lớn thứ 6 đồng thời là thủ phủ tỉnh bang Alberta của Canada vào mùa Đông. Từ khách sạn, các bạn ở Đại học Alberta (UA) đến đón tôi đi thăm trường và bảo tôi nên bỏ bớt áo mũ ở nhà, chỉ cần mang theo một áo khoác nhẹ. Thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên vì ngoài trời đang là 22 độ âm, các bạn khoát tay bảo cứ đi rồi sẽ biết. Hoá ra là phần lớn các tòa nhà trong thành phố này được nối liền với nhau nên nếu đi bộ thì hầu như không phải bước ra ngoài đường (tất nhiên là chỉ hơi bị… “mệt quá đôi chân này”). Tất cả các văn phòng làm việc, siêu thị, cửa hàng ăn uống, dịch vụ… đều có nhiều đường qua lại kết nối bên trong các khu nhà hoặc kết nối bằng cả metro. Các bạn Canada giải thích do khí hậu vùng này rất lạnh và khô vào mùa Đông nên hệ thống đi lại trong thành phố được chính quyền cho thiết kế nhằm mục đích để giảm thiểu tối đa việc người dân phải đi bộ ngoài đường trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông. Tất nhiên, đi bộ bên trong các toà nhà thì bao giờ cũng ấm áp bởi có máy sưởi ở mọi nơi!
Kể ra như vậy để thấy rằng nếu một chính quyền thật sự vì dân và có trách nhiệm với dân thì sẽ phải tự hình thành tầm nhìn cũng như xây dựng được những giải pháp cho quốc kế dân sinh. Chính quyền phải đóng vai trò quyết định trong việc mang lại cho người dân một môi trường sống an toàn và tiện nghi trong khả năng tốt nhất có thể. Chúng ta không thể đem miền Trung cất đi đâu để tránh bão lũ, lụt lội hàng năm. Lại cũng không thể bỏ trắng vùng đất này vì sợ thiên tai. Vậy thì không ai khác ngoài chính quyền (địa phương và trung ương) phải có trách nhiệm làm sao cho dân sống được ở nơi đó và phải là một cuộc sống bền vững chứ không phải là kiểu “bám đất” để sống.
Đã 41 năm chúng ta sống trong hòa bình rồi nên không còn có thể đổ lỗi cho chiến tranh. Những gì thiên nhiên đang đối xử với miền Trung ngày nay là hậu quả của sự tắc trách và thể hiện trình độ yếu kém kéo dài trong công tác quản lý, điều hành của cả chính quyền trung ương lẫn địa phương. Vì thế mới duyệt cho quy hoạch thủy điện thả ga không cần cân nhắc. Vì thế mới buông lỏng quản lý cho rừng đầu nguồn bị tàn phá vô tội vạ. Vì thế mới cho các dự án công nghiệp nặng và khai khoáng phát triển tràn lan, bất chấp hậu quả tác động môi trường… Ngây ngô và vô cảm đến độ như ông Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An còn phát biểu: “Khi xả lũ, chúng tôi chỉ tính đến an toàn của đập, còn hậu quả thì chưa nghĩ đến”. Bó tay!!!
Hồi tối nay, tôi vừa hỏi thăm một cậu thanh niên quen biết có gia đình sống ở Tuyên Hoá (Quảng Bình). Cậu bảo vùng nhà cháu chả có thủy điện mà năm nào cũng ngập. Trời thương thì cho ngập ít mà ghét thì cho ngập nhiều thôi. Nhưng mà cũng phải sống và cũng quen hết rồi, chứ bỏ đi đâu được hả cô?
Tất nhiên, những vùng có thủy điện thì còn khốn khổ hơn nữa. Nhưng mấy ông làm thủy điện lại bảo: Không xả nước mà để vỡ đập cũng chết cả nút! Mà một khi mưa bão lớn quá thì có báo trước khi xả nước, dân cũng chẳng đỡ nổi!!!
Tóm lại, chỉ có dân cứ phải tự loay hoay đối phó với thiên tai mà thôi! Hoặc phải chấp nhận “quen” với nó và chịu đựng bằng mọi khả năng có thể. Vai trò của chính quyền trong việc hoạch định chiến lược để giúp dân sống cùng và đối phó hiệu quả với thiên tai hầu như hoàn toàn mờ nhạt. Và như mọi khi, hễ cứ có thiên tai là lại có các cuộc vận động quyên góp nhân đạo trong dân. Tuy nhiên, người dân có thể tự nhường cơm sẻ áo cho nhau trong lúc tai ương khốn khó, nhưng không vì thế mà chính quyền có thể ung dung để mặc cho dân tự giúp nhau vượt khó và nghĩ rằng “tan bão là xong, nước rút là ổn”. Vai trò và bản chất của một chính thể cầm quyền đòi hỏi những người lãnh đạo cần thể hiện trách nhiệm đúng nghĩa là “cha mẹ của dân” trong lúc này để lo cho dân, chứ không cần phải là “đầy tớ” một cách thiếu thực chất nữa!
Năm nào tôi và cộng đồng nhỏ của tôi cũng tham gia đóng góp cứu trợ lũ lụt cho miền Trung. Tôi cũng vừa thấy mọi người đang chia sẻ trên mạng những đoạn video clip để kêu gọi cứu trợ, thậm chí có cả lời kêu gọi phải gửi cho thế giới biết những hình ảnh này để họ cùng tham gia giúp đỡ đồng bào ta. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, chẳng lẽ cứ “đến hẹn lại lên” là lại phải tổ chức các đợt vận động quyên góp cứu trợ thế này? Ngay cả với bạn bè quốc tế, họ có thể chung tay chia sẻ, giúp đỡ một đất nước bị thiên tai đột ngột, nhưng cứ năm nào cũng kêu cứu thì người ta sẽ đánh giá về chúng ta ra sao? Chúng ta sẽ trả lời thế nào nếu giả sử có bạn bè cắc cớ hỏi rằng: “Tại sao năm nào ở đó (miền Trung) cũng bị bão và lũ, lụt mà nhà nước không có cách nào để giúp dân tránh? Tại sao lại không thể phòng ngừa được một chuyện mà ai cũng biết chắc rằng nó vẫn thường xuyên xảy ra?”…
Vì vậy, sâu xa mà nói, “nhân tai” ở đây không phải chỉ là những Formosa hay nhà máy thủy điện. “Nhân tai” lớn nhất đó là một chính quyền hoạt động thiếu hiệu quả, không đủ tầm và cũng không có tâm để lo cho dân một cách căn cơ. Do vậy, cần lắm những thay đổi quyết liệt về tư duy và cơ chế điều hành bộ máy chính phủ để chính quyền này thực sự là một chính quyền vì dân.
Điều mà người dân miền Trung cũng như cả nước cần và ước, đó là có được một chính quyền đủ trình độ, năng lực cần thiết, hoạt động minh bạch và có hiệu quả. Đấy mới là điều cốt yếu để giảm thiểu ảnh hưởng của cả “nhân tai” cũng như thiên tai, đảm bảo cuộc sống an toàn, ổn định và bền vững cho mọi công dân.
(FB Nguyễn Thị Oanh)
Phải nói thật, quá rõ bản chất cái nhà nước này, thế nhưng tôi vẫn chưa bao giờ hết kinh ngạc về mức độ vô cảm, tàn ác của họ đối với dân với nước, cũng như chưa bao giờ thôi sửng sốt trước sức chịu đựng vô bờ bến của người VN!
|
Các huyện miền núi Quảng Bình nước lũ dâng ngập nhà dân |
Cảnh tang thương mùa lũ năm nào cũng diễn ra…
Báo chí, truyền thông trong nước cho tới trên facebook mấy hôm nay tràn ngập thông tin, hình ảnh về cơn lũ kinh hoàng ở miền Trung. Không một người VN nào còn có tấm lòng với quê hương với đồng bào, mà không nhói buốt lòng khi nhìn những hình ảnh rớt nước mắt giữa cơn bão lũ: Hàng chục ngàn căn nhà chìm trong nước, bà con leo lên mái chờ nước rút, một người phụ nữ ngồi chông chênh trên mái nhà giữa biển nước mênh mông, những đứa trẻ thò đầu qua cái lỗ trổ trên mái nhà ngóng ra xa chờ sự hỗ trợ, một em bé vừa bơi vừa đội cái thau trên đầu trong đó có con chó ngồi run rẩy, một con bò được cột treo lên, thân chìm trong nước, chỉ còn cái đầu cái mõm nghếch lên thở, một đám tang chạy trong lũ…
Cái nghèo cái khổ vốn đã đeo theo đồng bào miền Trung, lại thêm bão lũ, thiên tai liên miên…Không chỉ tài sản mất hết, hư hại hết, mà đã có ít nhất một chục người chết và hơn một chục người khác bị mất tích. Đó là mới ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, còn nữa, Nghệ An, còn nữa, bão lũ vẫn đang chuẩn bị đổ tới…
Nhưng điều đáng nói hơn là bão lũ năm nào cũng xảy ra, nhưng từ trung ương tới địa phương cũng không tính toán được những cách thức làm sao để bà con bớt thiệt hại về tài sản, con người. Năm nào dân cũng phải tự lo, rồi sau đó chính quyền địa phương, có khi quân đội cũng tham gia, cứu hộ bằng sức người là chính, cộng với những phương tiện thuyền bè thô sơ, rồi các tờ báo, các tổ chức dân sự lại kêu gọi cứu giúp, người dân lại “lá rách đùm lá nát” gửi cho nhau những gói mì tôm, chai nước suối…Bao nhiêu năm rồi vẫn cứ là mì tôm, lương khô!
Mỗi vùng nơi hay xảy ra bão lũ lẽ ra nên cấp hàng chục ngàn cái phao cứu sinh cho bà con trước mỗi mùa mưa; tìm cách xây ít nhất vài ba địa điểm lánh nạn tạm thời ở trên cao hoặc nhà cao tầng để sơ tán người và tài sản tạm vài ngày; đất nước có sông ngòi, biển từ Nam ra Bắc sao không có được một đội tàu cứu nạn, cứu trợ to, chuyên nghiệp để cứu trợ dễ dàng hơn; thậm chí, thay vì xây xây bao nhiêu cổng chào, tượng đài hoang phí sao không đầu tư cho một đội trực thăng chuyên cứu nạn, cứu trợ, vừa nhanh vừa hiệu quả v.v…Có vẻ như tài sản của dân chứ có phải của các ông đâu mà các ông đau, xót.
Đã ngu, đã tham lại còn ác!
Điều thứ hai, đáng phẫn nộ hơn là chuyện thủy điện xả lũ làm lũ chồng lũ, thiệt hại nặng nề hơn, năm nào cũng vậy. Như năm nay, một cái đập Hố Hô xả hết cỡ khiến người dân Hà Tĩnh không kịp trở tay, mới qua hai ngày đã có hàng chục ngàn căn nhà chìm trong nước, chưa kể người chết, người mất tích.
Nào đã yên, lại rục rịch chuẩn bị xả lũ ở hồ Vực Mấu là hồ thủy lợi lớn nhất Nghệ An. Báo chí đưa tin, cũng chính đơn vị này, năm 2013 “hồ Vực Mấu đã từng mở tràn xả lũ gây nên trận lụt lịch sử, người dân vùng hạ lưu đã chìm trong biển nước. Hàng ngàn ngôi nhà bị ngập, tổng thiệt hại ước tính gần 800 tỷ đồng”. Và sau đó những người có trách nhiệm trả lời do không lường hết trước được hậu quả! (“Ngày 16/10, sẽ xả lũ ở hồ thủy lợi lớn nhất Nghệ An”, VOV, “Chúng tôi không lường hết hậu quả khi xả lũ”, bài đăng năm 2013 trên VNExpress)…
Một cách trả lời vô cảm, cũng như năm nay, "Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc nhà máy thủy điện Hố Hô (công ty CP thuỷ điện Hồ Bốn) cho rằng, việc xả lũ tại Hương Khê là đúng quy trình." ("Thủy điện xả lũ nhấn chìm nhà dân, chủ tịch huyện nóng mặt", VietnamNet). “Đúng quy trình", một cụm từ xài quen trên cửa miệng các quan!
Bao nhiêu tài sản tính mạng của dân, chả ai bồi thường một xu cũng chả ai bị sứt mẻ gì, ghế ai nấy tiếp tục ngồi!
Dẹp mấy cái đập thủy điện đi, nhất là ở khu vực miền Trung, nước ta nắng gió thừa thãi, xách cặp theo học mấy nước châu Âu và Bắc Âu lấy điện từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời đi. An toàn hơn thủy điện và điện hạt nhân nhiều. Nhưng do sự bất cập trong chính sách của nhà cầm quyền và một số lý do khác, rất nhiều dự án điện gió, điện mặt trời ở VN vẫn chưa triển khai được, hầu hết đang “bất động” hoặc nhà đầu tư bỏ cuộc. Trong khi đó thì những năm qua nhà cầm quyền VN lại hăm hở phá triển thủy điện, là do các nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu thấp, lại rất biết cách “lại quả”, rộng rãi chi “tiền huê hồng”, hoặc do Bắc Kinh “hào phóng” cho vay với điều kiện phải là công ty Trung Cộng thực hiện…
Vì tầm nhìn không quá lỗ mũi nhưng cái chính vì lòng tham vô đáy, nhà cầm quyền VN đã không hề nghĩ gì tới cái hại khi xây thủy điện trong một quốc gia có lượng mưa quá lớn, năm nào cũng có bão lũ nên năm nào cũng xảy ra chuyện xả lũ, lũ chồng lũ như vậy! Chưa kể lại còn lao vào những dự án điện hạt nhân với Tàu với Nga, lại càng thêm nhiều mối lo. Nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Đức đã chính thức dẹp bỏ các nhà máy điện hạt nhân. VN là một nước nhỏ, nghèo, các điều kiện đảm bảo an toàn, cứu trợ đã kém, mà lại đất chật, dân đông, rất không nên phát triển điện hạt nhân. Điện hạt nhân chỉ có thể tiền hảnh ở những quốc gia có trỉnh độ kỹ thuật cao, năng lực ứng phó, cứu trợ hữu hiệu, đất rộng, người thưa…Bài học nổ/rò rỉ nhà máy điện hạt nhân ở Nga, ở Nhật chưa đủ làm nhà cầm quyền VN quan tâm. Với họ, tiền là trên hết, tính mạng tài sản, tính mạng của dân thì là cái đinh gì!
Thiên tai một, nhân tai mười.
Nhìn lại chỉ mới từ đầu năm đến nay, bao nhiêu thảm họa đổ xuống đầu nhân dân. Hạn hán và ngập mặn ở đồn bằng sông Cửu Long khiến mùa màng mất trắng, bà con chỉ còn biế ngồi khóc trong câm lặng trên những cánh đồng khô nứt toác. Thảm họa biển chết, cá chết xảy ra đã hơn nửa năm, hàng chục ngàn hộ ngư dân lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc gần thất nghiệp, hàng trăm ngàn người thuộc các lĩnh vực như du lịch, nhà hàng, xuất khẩu thủy hải sản…cũng bị điêu đứng theo, và những nguy cơ ô nhiễm môi trường, bệnh tật kéo dài hàng chục năm treo lơ lửng trên đầu người dân VN. Rồi hiện tượng cá chết lan rộng ra cả những vùng khác, cả những lồng bè nuôi cá, khiến người dân nơi này nơi khác phẫn nộ xuống đường biểu tình, mang theo những con cá chết trương sình, mắt mở trừng trừng đầy ám ảnh. Rồi lũ lụt ở miền Trung v.v…
Nhưng ngẫm cho kỹ tất cả những tai họa trên, thiên tai chỉ là một phần, cái chính là nhân tai-do con người gây nên. Hạn hán, ngập mặn và cả cái chết dần dần của đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất nước là hậu quả từ việc sử dụng nguồn nước thiếu khoa học của các nước láng giềng cộng với việc Trung Quốc xây mấy cái đập thủy điện “khủng” ở đầu nguồn, điều này đã được các nhà khoa học, chuyên môn cảnh báo từ lâu nhưng nhà cầm quyền VN vẫn không chịu tính cách đối phó lâu dài. Bây giờ cứ xảy ra hạn hán, ngập mặn thì lại đi năn nỉ Trung Quốc xả bớt nước!
Rồi nếu không phá rừng bừa bãi, xây đập thủy điện vô tội vạ thì lũ lụt đâu có kinh hoàng đến thế. Nếu không mở cửa cho Formosa vào xây nhà máy thép với những điều kiện hết sức lỏng lẻo thì thảm họa biển chết đâu diễn ra. Còn nữa, họa “bùn đỏ” bauxite Tây Nguyên, họa rò rỉ phóng xạ hạt nhân từ các nhà máy hạt nhân do Trung Cộng xây sát biên giới VN và chính VN cũng đang triền khai mấy nhả máy điện hạt nhân, cũng lại ở khu vực miền Trung…
Nếu người Việt mình đừng giỏi chịu đựng đến thế…
Bao nhiêu thảm họa xảy ra nhưng từ thái độ cho tới cách ứng phó của nhà cầm quyền như thế nào? Suốt thời gian qua trước hậu quả nghiêm trọng của thảm họa môi trường do Formosa gây nên, tập đoàn lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN làm gì? Sau khi ép được tụi Formosa nhả ra 500 triệu USD gọi là bồi thường, ngược lại, phía VN phải bồi hoàn tiền thuế còn lớn hơn cả số tiền đó, nhà cầm quyền tự cho như thế là xong. Dân đen ai biểu tình phản đối liền bị bắt giữ, hạch sách, nhà cầm quyền còn công khai đứng về phía Formosa, đưa quân đội, vũ khí, xây hàng rào bảo vệ Formosa, sẵn sàng quyết chiến với dân.
Hội nghị Trung ương đảng lần thứ tư khai mạc. “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương lần thứ tư, sáng 9/10.”
Thảo luận, ra nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ... Bởi vì đó là mối quan tâm lớn nhất của Tổng Trọng và tập đoàn Ba Đình. ("Tổng bí thư: Ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, VNEconomy).
Khi lũ lụt xảy ra tang thương ở miền Trung, tập đoàn lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN làm gì? Ông Thủ thì gửi "công điện hỏi thăm đồng bào", ra chỉ thị cho cấp dưới chống lũ, rồi ông và đám phó, đám đại biểu ngồi trong phòng máy lạnh êm ru nhắn tin ủng hộ người nghèo (“Thủ tướng nhắn tin ủng hộ người nghèo”, VNExpress); bà Chủ tịch Quốc hội thì chưng diện áo dài, mặt tươi hơn hớn đi dự khai mạc Festival áo dài tại Hà Nội (“Chủ tịch Quốc hội dự khai mạc Festival áo dài”, Tuổi Trẻ). Ông Chủ tịch lặn đâu không biết, ông Tổng Trọng còn đang bận kêu gọi dân cứu đảng, dân cứu đảng còn ai cứu dân? Rõ rồi, dân đen tự lo cứu nhau, trước giờ vẫn thế. Còn các quan đầu đẳng thì chờ khi nào dân chửi quá hoặc nước rút hết thì mới có một hai tay làm bộ xắn quần xuống vùng lũ ngó ngó chỉ tay năm ngón…
Phải nói thật, quá rõ bản chất cái nhà nước này, thế nhưng tôi vẫn chưa bao giờ hết kinh ngạc về mức độ vô cảm, tàn ác của họ đối với dân với nước, cũng như chưa bao giờ thôi sửng sốt trước sức chịu đựng vô bờ bến của người VN!
Nếu người dân Việt mình đừng giỏi chịu đựng đến thế...
Song Chi
(Blog RFA)
EmoticonEmoticon