Những câu chuyện về nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej: Xóa sổ sào huyệt thuốc phiện
(VP Bangkok)
Nạn buôn bán thuốc phiện bất hợp pháp bắt đầu nở rộ ở Thái Lan từ năm 1959. Theo khảo sát từ Chương trình phát triển của LHQ, lúc bấy giờ Thái Lan sản xuất 145 tấn thuốc phiện/năm, chiếm một phần rất đáng kể tổng lượng thuốc phiện toàn cầu. Trước những năm 1970, khu vực biên giới miền bắc Thái Lan (tỉnh Chiang Rai), Lào, Myanmar tạo thành khu Tam giác vàng được biết đến như “kho thuốc phiện” chính của thế giới.
Tam giác nghèo
Thời đó, 275.000 người dân tộc thiểu số miền núi phía bắc Thái Lan như: H’mông, Karen, Dao, La Hủ, Akha… sống trong những ngôi làng biệt lập, cách biệt với xã hội Thái. Nguồn thu nhập chính của họ là từ thuốc phiện. Những cố gắng của chính quyền đầu những năm 1960 bằng việc tái định cư hoàn toàn thất bại. Chính sách bao vây, truy lùng, tiêu diệt của quân đội và cảnh sát nhằm xóa bỏ thuốc phiện cũng bó tay. Tam giác vàng vẫn “ngạo mạn” tồn tại như một khu tự trị thách thức chính quyền.
Năm 1963, lần đầu tiên nhà vua đến thăm đồng bào dân tộc ít người khu Tam giác vàng. Ông nhận ra sự nghèo khổ, sức khỏe kém và thất học là những nguyên nhân chính khiến người dân trồng và sản xuất thuốc phiện. Họ chỉ là con tốt trong mạng lưới buôn bán ma túy được vận hành bởi những kẻ quyền lực. “Tam giác vàng thực chất là tam giác nghèo. Kẻ thật sự hưởng lợi chính là những con buôn chứ không phải những người dân tộc nghèo khổ”, ông nói.
Trong một chuyến thực tế đến làng người H’mông tại Doi Pui (tỉnh Chiang Mai) năm 1968, nhà vua phải đi bộ băng qua khu rừng rậm rạp để đến những ngôi làng của người dân tộc thiểu số, theo tác phẩm King Bhumibol Adulyadej: A Life's Work (tạm dịch: Nhà vua Bhumibol Adulyadej: Công đức một đời). Khi phát hiện những cánh đồng hoa anh túc bất hợp pháp của người H’mông, thật bất ngờ ông dừng lại và khuyên họ phải vun đất xung quanh cây anh túc để nó phát triển tốt hơn. Lời khuyên chân tình và vô tư đó đã làm tiêu tan mọi sự đề phòng của người dân. “Khi tôi hỏi dân làng tại đây thu nhập được bao nhiêu. Họ trả lời 3.000 - 5.000 baht/năm. Cũng câu hỏi đó, người bán mận ở vùng khác trả lời 4.000 - 12.000 baht/năm. Lúc đó, tôi biết là mình đã có câu trả lời cho vấn đề này”, vua Bhumibol nhớ lại.
Dự án 3 thập niên
Một năm sau chuyến thăm Doi Pui, nhà vua thiết lập một dự án hoàng gia nhằm cải thiện cuộc sống những dân tộc thiểu số. Ý tưởng của ông là phát triển mận địa phương và một số loại cây trái mà thổ nhưỡng đồng bằng không thể trồng. Như vậy, sự cạnh tranh rất thấp. Để chạy dự án, ông quyên góp 200.000 baht cho ĐH Kasetsart mua đất gần làng Doi Pui và Doi Ang Khang để thực hiện thử nghiệm việc thay đổi cây trồng.
Nhưng tại sao người ta phải bỏ thuốc phiện để trồng thử nghiệm trái cây với thu nhập còn chưa chắc chắn? Hướng dẫn viên Bảo tàng Thuốc phiện tại khu Tam giác vàng giải thích với Thanh Niên: “Bọn buôn thuốc phiện đều có vũ khí ép người dân chỉ được bán cho chúng với giá rẻ mạt. Cạnh đó, vì trồng thuốc phiện là bất hợp pháp nên người dân thường xuyên bị cảnh sát, quan chức nhà nước vòi tiền mà không dám hó hé. Trong khi trồng trái cây được nhà vua ủng hộ, lại không phải nơm nớp lo sợ”.
Người H’mông dần bỏ thuốc phiện. Một con đường lớn được xây dựng giúp dân làng dễ dàng vận chuyển trái cây và rau quả xuống miền xuôi. Lúc đó, nhà vua còn tặng người dân 3 cây vải để làm giống. 20 năm sau, giống vải đó đã được nhân rộng khắp các ngọn đồi ở miền bắc Thái Lan. Sau đó, những thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của người dân tộc tại Doi Kham và Gold Moutain cũng từ từ lớn lên trong thị trường nội địa và quốc tế.
Dự án xóa bỏ thuốc phiện của nhà vua gây được sự chú ý trên thế giới khiến các nước Bolivia, Colombia, Lào, Mexico, Myanmar, Pakistan, Peru và VN phải học theo.
Từ khi bắt đầu, vua Bhumibol đã dự đoán sẽ phải mất 3 thập niên để loại bỏ hoàn toàn thuốc phiện ở khu Tam giác vàng. Ông xác định việc bài trừ thuốc phiện chỉ là một phần của mục đích dự án. Giúp dân tộc thiểu số định canh định cư, tái trồng rừng sẽ góp phần phát triển rừng đầu nguồn cho lợi ích tương lai. Bên cạnh đó, việc này cũng gián tiếp củng cố an ninh quốc gia khu vực biên giới. “Nhiệm vụ quan trọng khác là mang đến cho người dân một đời sống tốt hơn”, vua Bhumibol nói với BBC năm 1979.
Nỗ lực không ngừng nghỉ của vua Bhumibol trong 3 thập niên đã đem lại sức sống mới cho hàng trăm ngàn đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thái Lan. Ngày nay, Tam giác vàng không còn là “khu tự trị” của trùm ma túy Khun Sa, những cánh đồng hoa anh túc giờ đã thay bằng những đồi chè xanh mướt, bằng khu nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch... Vì thế, một điều mà họ không bao giờ quên được đó là tình yêu thương của vua Bhumibol đối với người dân xứ này. “Vua Bhumibol là người đã hồi sinh chúng tôi”, Ae-bo Tanka, dân tộc La Hủ tại khu Tam giác vàng, chia sẻ với Thanh Niên.
Thái Lan kiểm soát truyền thông xã hội 24/7
Chính quyền Thái Lan đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) thiết lập các trung tâm giám sát 24/7 để tìm kiếm nội dung “không phù hợp” liên quan đến việc nhà vua qua đời trên các nền tảng truyền thông xã hội bao gồm YouTube, Facebook, Line, Twitter và xóa càng nhanh càng tốt. “Bất cứ ISP nào không tuân thủ sẽ bị xem là vi phạm pháp luật và bị khởi tố nghiêm trọng”, Tổng thư ký Ủy ban Phát thanh truyền hình và viễn thông Thái Lan Takorn Tantasith nói. Khuya 15.10, Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng ra thông cáo báo chí cho biết những ngày qua một số tổ chức truyền thông lớn đã phát những thông tin sai lệch, mang tính kích động, thao túng dư luận.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã chuyển lời của thái tử Maha Vajiralongkorn cho biết ông chỉ lên ngôi sau khi để tang (tức là ít nhất 1 năm nữa). Vì thế, người dân đừng lo lắng về chuyện kế vị.
Lam Yên, Lam Yên
EmoticonEmoticon