Câu nói của Putin khiến dân Trung Quốc "ức chế" 1 năm qua
Hải Võ |
Cách đây gần 1 năm, Tổng thống Vladimir Putin đã chia sẻ trải nghiệm thời thơ ấu của ông.
Trải nghiệm của Putin và câu chuyện Nga-Nhật-Trung Quốc
Trong cuộc trao đổi với các chuyên gia ở Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai ngày 22/10/2015,Putin tập trung vào chiến dịch không kích của Nga ở Syria, bắt đầu từ ngày 30/9, và liên hệ với "kinh nghiệm" thuở nhỏ của ông.
"50 năm trước, đường phố Leningrad (nay là St. Petersburg-PV) đã dạy tôi một điều, rằng nếu không thể tránh được đánh nhau, anh bắt buộc phải ra tay trước," Tổng thống Nga nói.
Hãng Reuters bình luận, đây có thể xem là cách nhìn nhận của Putin đối với cục diện đối đầu trong môi trường chính trị quốc tế hiện đại.
Ở Trung Quốc, kinh nghiệm của Putin đã "làm mưa làm gió" trên khắp các diễn đàn suốt gần 1 năm qua và được giới học giả, chuyên gia, các blogger cũng như cư dân mạng chia sẻ, bình luận liên tục.
"Làm quốc dân câm nín", "rúng động"... là những đánh giá thường thấy trong các chia sẻ trên mạng Internet Trung Quốc về phát biểu của ông chủ Điện Kremlin.
Trong khi Putin so sánh để lý giải cho chiến dịch không kích chống khủng bố của Nga ở Syria, đối tượng mà người Trung Quốc nhằm vào là... "đối thủ truyền kiếp" Nhật Bản.
Nhà phân tích quân sự Trung Quốc, ông Phùng Thiện Trí viết trong bài phân tích đăng trên trang Phượng Hoàng ngày 20/1, tỏ ra cay cú khi Tokyo mềm mỏng với Nga trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc, nhưng lại hết sức cứng rắn với Trung Quốc về tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và lập trường ở biển Đông.
Theo ông Phùng, việc Nhật không e ngại rủi ro bùng phát chiến tranh khi đối đầu với Trung Quốc là một vấn đề rất đáng quan tâm với giới lãnh đạo nước này.
Trả lời phỏng vấn của hãng Nikkei vào đầu tháng 1/2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abeđánh giá các nước phương Tây cần sự tham dự mang tính xây dựng của Nga để giải quyết căng thẳng Iran-Saudi Arabia, xung đột Syria và chống Nhà nước Hồi giáo (ISIS).
Còn nhắc đến Trung Quốc, ông Abe tuyên bố phản đối các hành vi "đơn phương thay đổi hiện trạng" ở biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi xã hội quốc tế cùng lên tiếng buộc Bắc Kinh chấm dứt hành động vi phạm.
Giới quan sát Trung Quốc khẳng định Nhật Bản duy trì 2 thái độ hoàn toàn đối lập khi ứng xử với Moscow và Bắc Kinh trong các vấn đề liên quan, và đặt ra câu hỏi: Vì sao Nhật không sợ Trung Quốc?
Câu trả lời được đưa ra là "chính phủ Trung Quốc chưa đủ cứng rắn như Nga".
Putin "gợi mở" để Trung Quốc cứng rắn hơn?
Trang quân sự Sohu hồi tháng 6 bình luận, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JSDF) đã sở hữu một số chiến hạm "tương đương tàu sân bay", trong khi số lượng tàu ngầm cũng lần đầu tiên có sư gia tăng kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Lực lượng phòng vệ trên không (JASDF) của Nhật thông báo, trong 6 tháng tính đến ngày 30/9 vừa qua, chiến đấu cơ Nhật Bản đã cất cánh khẩn cấp 407 lần để chặn máy bay quân sự Trung Quốc, so với 231 lần cùng kỳ năm 2015.
Số lần tàu chính phủ Trung Quốc tiến vào vùng biển tranh chấp giữa hai nước cũng gia tăng từ đầu tháng 8, kéo theo sự đeo bám của tàu quân sự Nhật và phản ứng quyết liệt hơn từ nội các của Thủ tướng Abe.
Dư luận Trung Quốc tin rằng các hành động cứng rắn hơn của nước này trên biển "được gợi mở nhờ Putin" và kêu gọi Bắc Kinh "hành động càng thẳng thừng càng tốt" trong các tranh chấp ở biển Đông và Hoa Đông.
Hiện nay, các tàu hải cảnh Trung Quốc mang theo vũ khí tiến vào khu vực 12 hải lý của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã trở thành "thường thái".
"[Phát ngôn của Putin] là một gợi ý với Trung Quốc. Mặc dù một số tranh chấp có thể giải quyết bằng đàm phán, nhưng ở các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia thì không thể thỏa hiệp... Đối với một số quốc gia về cơ bản là không cần phải đàm phán.
Nếu [Trung Quốc] nhượng bộ trong các tranh chấp thì sẽ khiến đối thủ kiêu ngạo. Do đó, không thể dựa vào lời nói mà phải hành động thực tế," Phùng Thiện Trí tuyên bố hung hăng trong bài viết trên Phượng Hoàng.
theo Thế giới trẻ
EmoticonEmoticon