Selasa, 18 Oktober 2016

Vì sao Hội nghị TW 4 không thể “chống tham nhũng” thành công?

Tags

Muốn lần ra dù một manh mối nhỏ về Trịnh Xuân Thanh tại PVC để có cơ sở kết tội Thanh và có thể dẫn đến những nhân vật khác, Tổng bí thư Trọng phải cậy nhờ đến Thanh tra chính phủ. Nhưng cho dù cơ quan này có phát hiện được những bằng chứng tham nhũng của Trịnh Xuân Thanh tại PVC, hồ sơ vẫn phải chuyển qua Bộ Công an.

Hội nghị trung ương 4 có “chống tham nhũng” thành công?

Trước khi Hội nghị trung ương 4 của đảng CSVN diễn ra vào trung tuần tháng 10/2016, đã có tin ngoài lề về khả năng hội nghị này sẽ là một cuộc “đấu tố tham nhũng” liên quan đến những nhân vật cao cấp. Dự báo này tỏ ra khá phù hợp với sự kiện tổng bí thư Trọng gia nhập Thường vụ đảng ủy công an trung ương vào tháng 9/2016 và giới báo chí tuyên giáo ồn ào về các vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng…

Tuy nhiên, Hội nghị trung ương 4 đã kết thúc với chủ đề chính là “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”, còn “chống tham nhũng” (hay “làm nhân sự”) chỉ là một nội dung khá mờ nhạt. Thậm chí cho tới giờ còn chưa có thông tin nào cho thấy Bộ Nội vụ thuộc chính phủ đã có báo cáo về trường hợp bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải (con trai ông Vũ Huy Hoàng) theo yêu cầu của tổng bí thư.

Trong hội nghị trung ương 4 cũng không thấy nêu ra hai trường hợp “cộm cán” về tự diễn biến và tự chuyển hóa là Trịnh Xuân Thanh và Nguyễn Như Phong.

Vì sao lại có sự khiếm khuyết rất lớn ấy? Nếu không dẫn ra Trịnh Xuân Thanh và Nguyễn Như Phong như những bằng chứng quá đủ thuyết phục về “nhảy sang địch”, Tổng bí thư Trọng làm sao có thể chứng minh được cho gần 3 triệu đảng viên rằng đảng của ông đang thực sự chống tham nhũng và chống suy thoái tư tưởng, lý tưởng?

Dường như ông Trọng thiếu tự tin. Hoặc thế tiến công của ông đang gặp phải khó khăn toàn diện.

Liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh, một sự kiện rất đáng chú ý là sau khi đã chắc chân trong Thường vụ đảng ủy công an trung ương, Tổng bí thư Trọng lại bất ngờ chỉ đạo thanh tra chính phủ gấp rút tổ chức thanh tra Tổng công ty Xây lắp dầu khi (PVC), là nơi trước đây ông Trịnh Xuân Thanh làm tổng giám đốc. Trong khi từ đầu tháng 8/2016, ông Trọng đã giao vụ điều tra PVC cho Bộ Công an.

Vậy chẳng lẽ Bộ Công an thiếu “nhiệt tình” đến mức ông Trọng, dù đã nằm trong Đảng ủy công an trung ương, vẫn đành phải quay sang một cơ quan không có chức năng điều tra và khởi tố vụ án là Thanh tra chính phủ?

Cũng cho tới nay, những mũi tấn công khác của Tổng bí thư Trọng về vụ Núi Pháo và MobiFone vẫn gần như giậm chân tại chỗ. Hình như “học tập” cách làm việc của Ủy ban kiểm tra trung ương trong việc kiểm tra vụ Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang mà chẳng ra được gì, các cơ quan bộ ngành chính phủ vẫn đều đều và rề rề. Còn thời gian thì cứ vùn vụt lao đi…

Sau khi kỳ vọng vào Ban Nội chính của ông Nguyễn Bá Thanh (đã qua đời) không còn nữa, Tổng bí thư Trọng đã đưa ông Trần Quốc Vượng – một người thân tín của ông – vào Bộ chính trị và phụ trách Ủy ban Kiểm tra trung ương. Tuy nhiên cho tới nay, ông Vượng đã chứng tỏ năng lực quá thua sút so với Vương Kỳ Sơn – phụ trách Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương của Trung cộng.

Ngay trước mắt, muốn lần ra dù một manh mối nhỏ về Trịnh Xuân Thanh tại PVC để có cơ sở kết tội Thanh và có thể dẫn đến những nhân vật khác, Tổng bí thư Trọng phải cậy nhờ đến Thanh tra chính phủ. Nhưng cho dù cơ quan này có phát hiện được những bằng chứng tham nhũng của Trịnh Xuân Thanh tại PVC, hồ sơ vẫn phải chuyển qua Bộ Công an.

Khi đó mọi chuyện sẽ ra sao?

Lê Dung



(SBTN)

Artikel Terkait


EmoticonEmoticon