Hà Tĩnh lũ. Quảng Bình lụt. Giở báo, xem đài, lại thấy những biển nước mênh mông và không khỏi nghĩ về những con người loay hoay trong cơn lũ ấy.
Có những người sẽ lại mất tất cả, nuốt nước mắt làm lại từ đầu sau trận lũ này. Và ngay khi cơn lũ còn chưa qua, lại một cơn bão nữa ngoài biển Đông đang chực chờ ập đến.
Tôi vừa trở về từ Phìn Ngan, Bát Xát, Lào Cai, nơi cũng mới trải qua một trận lũ quét kinh hoàng cuốn đi nhiều nhà cửa và vùi lấp nhiều ruộng nương. Những mảnh ruộng lớn vùi trong cát, bà con đang loay hoay trồng khoai lang lên nơi từng là bờ xôi ruộng mật. Những căn nhà bị lũ chặt làm đôi, những cái cột tạm chống lên để giữ những gì còn lại bên bờ con vực mới được hình thành.
Và cứ mỗi trận lũ lớn, người ta lại chỉ tay về phía những cánh rừng. Từ lâu, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của lũ lụt, đặc biệt ở miền Trung đã được chỉ ra là diện tích rừng phòng hộ; rừng đầu nguồn bị thu hẹp. Thảm thực vật bị suy kiệt làm tăng tốc độ dòng chảy mặt nước.
Thế ai bảo vệ rừng? Tôi đi tìm câu trả lời ấy ở Lào Cai, giữa những con người đang loay hoay dựng lại thôn bản sau trận lũ lớn. Ở đó, có một thôn không bị lũ quét. Chủ tịch xã nói, không chắc lắm, vì chưa có bằng chứng khoa học, nhưng có thể là bởi thôn ấy còn rừng.
Đó là thôn Sải Duồn. Người già làng nói với tôi rằng rừng nơi này cũng từng bị phá tan hoang. Đấy là 30 năm trước, chẳng có luật pháp nào bảo vệ chúng, ai đi qua tiện tay cũng có thể vác về một cây gỗ. Người xã khác mò vào kéo cây lớn đi. Chẳng ai làm gì. Thế rồi năm 1988, già làng quyết định rằng thôn sẽ tự giữ rừng. Không chờ nhà nước nữa. Họ tự lập đội tuần tra. Họ bắt giữ những kẻ phá rừng. Họ áp mức nộp phạt lên bất kỳ ai chặt cây trong rừng, kể cả người trong thôn.
Lý do rất đơn giản, là có rừng, thì có nguồn nước, và không sợ lũ. Già làng cấm mọi người dùng cả thuốc diệt cỏ, vì đất cần có rễ của thảm thực vật mới chắc chắn. “Không có rễ cây thì đất như tro bếp, mưa xuống là sạt thôi”.
Ba mươi năm, rừng Sải Duồn giờ đã lớn, cây đã to trở lại. Tôi hỏi già làng, rằng ngày ấy, khi nhà nước chưa giao rừng, tự giữ người, tự bắt nộp phạt như thế có phải là bất hợp pháp không. “Bất hợp pháp đấy. Nhưng mình không giữ rừng thì ai giữ?”.
Nhưng đó chỉ là nỗ lực tự phát của một cộng đồng. Giao rừng cho cộng đồng thôn bản tự giữ, cho đến tận giờ vẫn là chủ đề nóng và loay hoay của các bộ ngành. Nhiều vấn đề còn tranh cãi. Nhưng có một thực tế quan trọng, là rừng của ban quản lý không được giữ tốt bằng rừng của bà con: họ sống cùng rừng và nâng niu chúng không chỉ bởi giá trị tự nhiên, mà còn bởi giá trị văn hoá và đặc biệt là tâm linh của người đồng bào. Rừng thì gần, kiểm lâm thì xa.
Mới đây, có một chuyện bi hài xảy ra ở Đăk Lăk, khi người dân bắt được xe chở gỗ lậu, nhưng gọi kiểm lâm trong đêm thì kiểm lâm “sợ quá không tới”. Đó không phải là một vấn đề mới: bà con thường xuyên không biết làm gì với lâm tặc ngay cả khi bắt được, gọi kiểm lâm thì xa xôi, chờ đợi hàng mấy ngày. Có những nơi xe gỗ lậu đi qua, bà con nhìn thấy nhưng mặc kệ.
Trong khi đó thì Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã tồn tại 12 năm qua đến giờ vẫn chưa xác định được rõ ràng là loại rừng gì thì giao cho thôn bản. Luật ghi “Khu rừng hiện cộng đồng dân cư thôn đang quản lý, sử dụng có hiệu quả” thì giao cho bà con, nhưng định tính thế thì chẳng ai biết là loại rừng gì thì giao, thế nào là hiệu quả?
Một trong những quyết định lớn đầu tiên của chính phủ nhiệm kỳ này, là đóng cửa rừng tự nhiên. Một nỗ lực đáng ghi nhận. Sẽ không có một cánh rừng tự nhiên nào được chuyển thành thuỷ điện hay resort nữa. Nhưng còn nhiều việc để làm. Một trong những việc ấy, là làm thế nào để chính những người chủ thực sự của những cánh rừng, có quyết tâm giữ rừng.
Một cái cưa máy trên thượng nguồn không chỉ đốn hạ một thân cây, mà nó chém thẳng vào cuộc đời của hàng nghìn con người trong vùng nhạy cảm với lũ. Nước mắt sẽ còn rơi nhiều sau những cơn “mưa cực đoan”.
Ở một nơi không có điện, nơi đồng bào không được đi học, tôi đã gặp những con người có thể dạy cho bất kỳ ai về “rừng vàng”. Ở đó, bên bếp lửa, già làng nói tiếng Kinh không sõi lắm, uống rượu nhiều, nhưng phân tích cho tôi hiểu, rằng lũ lụt, không hoàn toàn là tại ông trời.
Mình không giữ thì ai giữ? - ông hỏi tôi. Tôi cũng muốn hỏi “ai”, nhưng biết đó sẽ là một câu trả lời rất khó.
Đức Hoàn
'Chúng tôi không lường hết hậu quả khi xả lũ'
Dù thừa nhận chưa lường hết được hậu quả và sẽ chịu trách nhiệm trước dân về việc xả cùng một lúc 5 cửa tràn hồ chứa nước Vực Mấu, nhưng Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho rằng đó vẫn là phương án tối ưu.
- Thưa ông, lý do gì lại xả lũ tại hồ Vực Mấu vào đêm 30/9 và ngày 1/10?
Ông Nguyễn Văn Đệ. Ảnh: Hải Bình |
- Theo báo cáo của ông Hồ Ngọc Mai, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thủy lợi bắc Nghệ An, vào lúc 19h30' ngày 30/9 mực nước tại hồ Vực Mấu là 20,54 mét nên đã mở cửa thứ nhất. Lúc 0h ngày 1/10 mở cửa thứ hai, mực nước là 20,62 m. Nước ngày càng dâng cao, đến lần mở thứ 5 lúc gần 4h30 thì mực nước đo được gần 22 m.
- Việc thông báo cho nhân dân vùng hạ lưu dưới chân đập di dời tránh lũ được tiến hành ra sao?
- Trước khi mở cửa xả lũ thứ nhất, vào 7h30 ngày 30/9 đơn vị vận hành đã có thông báo bằng văn bản và bằng điện thoại tới tất cả các đơn vị, địa phương liên quan, trong đó ghi rõ: "Cơn bão số 10 có thể sẽ đổ bộ vào miền Trung và trực tiếp ảnh hưởng tới Nghệ An, dự báo mưa lớn. Xí nghiệp Thủy lợi huyện Quỳnh Lưu đã chuẩn bị các bước để xả tràn hồ Vực Mấu đảm bảo quy trình an toàn đập và các công trình. Thời gian kể từ 08h ngày 30/9 cho đến hết mưa bão. Xí nghiệp thủy lợi thông báo cho UBND các xã vùng hạ lưu hồ Vực Mấu thông báo cho nhân dân di dời lên vùng cao...".
Lực lượng chức năng tiếp cận khu vực ngập lụt ở thị xã Hoàng Mai sau khi hồ Vực Mấu xả lũ. Ảnh:HB-VH |
- Đơn vị nào chịu trách nhiệm di dời dân?
- Ban phòng chống lụt bão của công trình hồ Vực Mấu, mà trực tiếp là Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thị xã Hoàng Mai, chịu trách nhiệm di dời dân.
- Thực tế, việc xả lũ đã khiến ít nhất 20.000 ngôi nhà tại thị xã Hoàng Mai bị ngập, ước tính thiệt hại 800 tỷ đồng. Tại cuộc họp với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Hoàng Văn Thắng ngày 2/10 và các đơn vị liên quan tại Nghệ An, quy trình xả lũ này được nhận xét như thế nào?
- Sau khi nghe toàn bộ báo cáo của đơn vị vận hành hồ Vực Mấu, cùng với báo cáo thực tế của Sở Nông nghiệp, báo cáo của ủy ban thị xã, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng kết luận Công ty Thủy lợi bắc Nghệ An đã vận hành đúng quy trình xả lũ và đây là phương án tối ưu.
- Sở Nông nghiệp Nghệ An có trách nhiệm gì trong việc xả lũ gây ngập nhà dân?
- Sở và các đơn vị liên quan đã làm đúng và đã cố gắng hết sức. Trước hết dù thiệt hại lớn hay nhỏ thì Sở đều chịu trách nhiệm trước dân. Chúng tôi cũng tự nhận thấy chưa linh hoạt và bị động trong việc xả lũ cùng lúc 5 cửa tràn.
- Hồ Vực Mấu đã bao nhiêu lần xả lúc cùng lúc 5 cửa tràn?
- Từ khi đi vào vận hành năm 1982, đây mới là lần đầu tiên xả lũ cùng lúc 5 cửa. Đây là phương án bất khả kháng.
- Đơn vị có trách nhiệm và Sở đã lường trước thế nào về hậu quả khi ra quyết định xả cùng lúc 5 cửa?
- Đúng là chúng tôi chỉ mới tính được độ an toàn của đập, cũng không thể lường hết được hậu quả sau khi xả lũ.
Báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Nghệ An ngày 3/10 cho biết, do ảnh hưởng của mưa bão số 10 và đợt xã lũ hồ Vực Mấu, chỉ tính riêng thị xã Hoàng Mai đã có 20.000 nhà dân bị ngập. Hiện, cơ bản nước đã rút hết. Ước tính thiệt hại của toàn tỉnh trong đợt mưa lũ do bão số 10 gây ra là 1.239 tỷ đồng, riêng thị xã Hoàng Mai là 800 tỷ đồng. Vực Mấu là hồ chứa nước lớn nhất tỉnh Nghệ An, được xây dựng năm 1978 -1979, vận hành năm 1982. Hồ có dung tích sử dụng là 75 triệu mét khối nước (tương đương với 20,5 mét so với mực nước biển). Theo quy định khi mực nước trong hồ cao 20,5 mét thì bắt đầu xả lũ 1 cửa... Đây là hồ duy nhất ở Nghệ An được lắp đặt hệ thống điện tử SCADA, kết nối việc theo dõi đến Tổng Cục Thủy lợi 24/24h. |
Hải Bình thực hiện
EmoticonEmoticon