Minggu, 27 November 2016

Cuộc đời thăng trầm của Chủ tịch Fidel Castro

Tags

27.11.2016
Chân dung cố Chủ tịch Cuba Fidel Castro bên lá cờ Cuba.
Chân dung cố Chủ tịch Cuba Fidel Castro bên lá cờ Cuba.
Cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã qua đời, hưởng thọ 90 tuổi, em của ông, Chủ tịch Cuba Raul Castro thông báo.
Chính quyền Cộng sản của ông Fidel Castro đã đứng vững trước nhiều thách thức cam go, kể cả âm mưu đổ bộ vào Cuba để lật đổ chính quyền do người Cuba lưu vong tiến hành với sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ, một cuộc khủng hoảng tên lửa giữa hai siêu cường Nga-Mỹ, nhiều vụ mưu sát và hàng thập kỷ bị Mỹ cấm vận kinh tế.
Thế nhưng ông Fidel Castro cũng sống đủ lâu để chứng kiến ngày Washington tuyên bố tái lập quan hệ ngoại giao với La Havana và chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến đảo quốc này hồi tháng Ba năm 2016.
Fidel Castro Ruz sinh ngày 13 tháng 08 năm 1926, ông là một trong những lãnh đạo của phong trào đấu tranh chống nhà độc tài Fulgencio Batista.
Vào năm 1959, ông dẫn đầu một đội du kích đánh bại lực lượng Batista, giành quyền kiểm soát đảo quốc Cuba.
Fidel Castro phát biểu trước đám đông người ủng hộ tại một căn cứ quân sự cũ của chính quyền Batista.
Fidel Castro phát biểu trước đám đông người ủng hộ tại một căn cứ quân sự cũ của chính quyền Batista.
Thắng lợi và chủ nghĩa Cộng Sản
Chiến thắng của ông Fidel Castro đã khiến cả thế giới chú ý. Tuy nhiên sau đó, ông lèo lái con thuyền Cuba theo chủ nghĩa Cộng Sản, rơi vào quỹ đạo của Liên bang Xô Viết.
“Ông ấy là người hứa hẹn với người dân Cuba rất nhiều,” nhà hoạt động vì dân chủ người Cuba Frank Calzon nói.
“Dân Cuba lúc bấy giờ đang tiến gần tới một chế độ tự do, gần với một chính phủ trong sạch. Họ đang trên đường trở lại với Hiến pháp. Nhưng thay vào đó, ông Castro mang đến cho họ một chế độ kiểu Stalin.”
Hoa Kỳ vào năm 1961 đã lên kế hoạch để đưa một nhóm người Cuba lưu vong xâm nhập đảo quốc Cuba. Lực lượng của ông Castro đã đánh bại âm mưu này tại Vịnh Con Lợn. Một năm sau, Cuba vẫn là tâm điểm của cuộc đối đầu giữa hai siêu cường là Hoa Kỳ và Liên bang Xô Viết trong một cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân. Lúc đó, cả thế giới đứng bên bờ vực của một cuộc chiến hạt nhân.
Tư liệu- Ngày 25 tháng 10 năm 1962, đại sứ Hoa Kỳ Adlai Stevenson, bên tay phải, miêu tả một bức không ảnh chụp bãi phóng tên lửa tầm xa của Cuba trong một cuộc họp bất thường của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Tư liệu- Ngày 25 tháng 10 năm 1962, đại sứ Hoa Kỳ Adlai Stevenson, bên tay phải, miêu tả một bức không ảnh chụp bãi phóng tên lửa tầm xa của Cuba trong một cuộc họp bất thường của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Là đồng minh thân cận của Moscow, ông Castro từng triển khai binh lính Cuba đến nhiều điểm nóng suốt thời Chiến tranh Lạnh, chẳng hạn như Angola. Những chính sách của ông đã đưa Cuba trở thành một quốc gia có vai trò toàn cầu, theo chuyên gia về Cuba Wayne Smith.
“Tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ được nhớ đến như một người lãnh đạo đã đưa Cuba ra vũ đài thế giới,” ông Smith nói. “Trước thời ông ấy, Cuba chỉ được coi như một quốc gia vô danh ở Trung Mỹ, không hơn. Đất nước này vốn chẳng có giá trị gì trên chính trường quốc tế. Ông Castro đã thay đổi tình trạng đó, và biến nước này thành một thế lực trên vũ đài quốc tế, tại Châu Phi với tư cách là đồng minh của Liên Xô, tại Châu Á, và tất nhiên là cả Châu Mỹ Latinh.”
Thương vong của nền dân chủ
Tại Cuba, giáo dục và y tế miễn phí là những thành quả đạt được nhưng cái giá phải trả là dân chủ và nhân quyền. Những người bất đồng chính kiến bị tống giam, người thân của họ nếu đứng lên phản đối thì sẽ bị sách nhiễu bởi những kẻ lưu manh thân chính quyền.
Ông Calzon nhận định:
“Ông Fidel Castro duy trì quyền lưc bằng sự sợ hãi, thông qua hệ thống cảnh sát chìm, và việc lũng đoạn các lực lượng chính trị - theo chân Stalin và Hitler,”.
Ông Castro thường xuyên lên án Hoa Kỳ, thường xuyên tổ chức các cuộc tuần hành qui mô để phản đối lệnh cấm vận kinh tế mà Hoa Kỳ áp đặt lên đảo quốc này.
Dưới sức ép của Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ, ông Fidel Castro vẫn duy trì quyền lực cho tới khi trải qua cuộc phẫu thuật đường ruột vào năm 2006. Trong tình trạng đau yếu, ông Cuba chính thức “nhường ngôi” cho người em Raul Castro vào năm 2008, thông qua một cuộc bầu cử chỉ mang tính hình thức của quốc hội Cuba.
Tuy nhiên, ông Fidel Castro vẫn giữ một vai trò nhất định trong đời sống của người dân nước này khi báo chí nhà nước Cuba tiếp tục đăng tải ý kiến của ông về nhiều vấn đề, kể cả chỉ trích chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm bình thường hóa quan hệ hai nước. Thi thoảng ông cũng tiếp đón nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm.
Đức Giáo hoàng Francis nắm tay ông Fidel Castro tại Havana, Cuba.
Đức Giáo hoàng Francis nắm tay ông Fidel Castro tại Havana, Cuba.
Nhân vật lịch sử
Ông Fidel Castro có một chỗ đứng độc nhất vô nhị trên sân khấu thế giới, chuyên gia về Cuba Phil Peters thuộc Viện Lexington nhận định.
“Tôi cho rằng ai cũng phải công nhận ông ấy là một nhân vật lịch sử lớn, người đã giành được thắng lợi quân sự đáng nể trong cuộc cách mạng Cuba, người đã vượt qua được những tình huống hết sức ngặt nghèo trên trường quốc tế. Ông ấy đã đặt Cuba lên bản đồ thế giới và trên nhiều phương diện, vượt xa vai trò của Cuba trong lịch sử, cũng như tiềm lực kinh tế của đảo quốc này.”
Ông Calzon, một nhà hoạt động dân chủ nói tuy vậy nhân dân Cuba đã phải trả một cái giá rất đắt. Ông nói:
“Bất chấp những điều tốt đẹp mà ông ấy làm được, người dân Cuba phải trả giá bằng mạng sống của họ, bằng sự cam chịu, bằng những đòn tra tấn, những điều đã làm lu mờ tất cả những điểm tích cực có thể nói về nhân vật này.”
Dù là một nhà độc tài hay nhà cách mạng, ông Fidel Castro luôn là tâm điểm chú ý của truyền thông quốc tế cho đến cuối đời, một nhân vật gợi cảm hứng cho nhiều người nhưng cũng bị nhiều người khác bác bỏ.

Artikel Terkait


EmoticonEmoticon