Senin, 28 November 2016

Fidel Castro: Hoàng đế mạo danh kách mạng?; Năng lượng mới: Bao giờ Việt Nam mới được như Cuba?; Fidel Castro để lại Cuba trong tình trạng khốn cùng

Tags

FILES-CUBA-CASTRO-OPINION
Theo Tú Anh -  Đài RFI – 25/5/2014
Tình hình bất trắc tại Ukraina, đảo chính tại Thái Lan, những ẩn số của cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu. Đó là những đề tài chung của báo chí Pháp cuối tuần. Trong khi đó, L’Express giới thiệu trích đoạn quyển sách “bộ mặt thật của lãnh đạo Cuba Fidel Castro” do một sĩ quan cận vệ tiết lộ.
Quyển sách “La Vie cachée de Fidel Castro”, mà sĩ quan cận vệ Juan Reinaldo Sanchez suốt 17 năm theo chân nhà cách mạng Cuba và một đầu bếp tiết lộ chắc chắn sẽ là một quả bom tại Cuba, do có nội dung vạch trần bộ mặt thật của ông Fidel Castro. Tuần báo L’Express trích ra nhiều tình tiết:
“Cả cuộc đời, Fidel Castro khẳng định ông không có tài sản, chỉ có một chiếc lều câu cá. Thực tế, căn lều của lãnh đạo Cuba là một hệ thống biệt thự sang trong, huy động những phương tiện hậu cần khổng lồ, chiếm trọn hải đảo Cayo Piedra mà giới lãnh đạo xã hội chủ nghĩa thường sang thăm Cuba ít ai biết.
Cayo Piedra thực ra là hai đảo nằm gần nhau và để đi lại dễ dàng Fidel Castro cho xây một chiếc cầu dài 215 mét nối hai đảo nam và bắc. Để cho ba chiếc du thuyền của gia đình ông cập bãi cát mịn, nhà cách mạng đã cho đào một con kênh dài một cây số. Trừ văn hào Gabriel Garcia Marquez, người bạn thân thiết nhất được mời đến chơi không biết bao nhiêu lần, Fidel Castro che giấu rất kỹ, hiếm khi nào mời khách quen lạ. Khách mời chỉ được lưu trú trong một căn nhà ở phía bắc với một hồ bơi 25 mét.
Ở phía nam, có một nhà hàng nổi, nơi gia đình Fidel Castro thường hay dùng cơm. Viên cựu sĩ quan cận vệ cho biết trong 17 năm hầu cận Fidel Castro, ông có gặp một số lãnh đạo chính trị như Tổng bí thư cộng sản Đông Đức Erich Honecker, chủ nhân đài CNN Ted Turner, vua gà của Pháp Gerard Bouroin khi ông này qua Cuba tìm thị trường. Tuyệt nhiên không bao giờ thấy Raul Castro.
Dân chúng Cuba ăn uống kham khổ còn Chủ tịch nước ăn uống ra sao ? Ở La Habana, một bà gia nhân giám sát hai đầu bếp … bửa ăn của nhà cách mạng được một ông quản gia chuyên nghiệp phục vụ tận bàn như trong nhà hàng. Mỗi chiều, Dalia, vợ của « Phi-đen » soạn ba thực đơn : ăn sáng, ăn trưa và ăn tối cho ngày hôm sau nhưng không phải chung cho gia đình mà là cho từng « cá nhân một, với sở thích, thói quen, và yêu cầu riêng ».
Buổi sáng, chủ tịch thức giấc lúc 11 giờ để ăn sáng, hiếm khi nào dậy trước 10 giờ và bắt đầu ngày làm việc vào khoảng 12 giờ trưa. Khi ông dùng sữa, thì sữa do bò nuôi trong nông trại gia đình cung cấp và mỗi thành viên gia đình có một con bò riêng. Sữa đưa lên bàn ăn đựng trong chai có số riêng. Chai sữa bò của Fidel Castro mang số 5. Gia trưởng Cuba có vị giác tinh tế phân biệt được mùi vị nếu sữa không xuất phát từ con bò cái của ông.
Về an ninh, luôn luôn có 15 vệ sĩ túc trực bên mình. Hầu hết được tuyển chọn theo khả năng tác xạ và cận chiến. Đặc biệt là trong số vệ sĩ có một người có diện mạo rất giống chủ tịch tên Silvino Alvarez. Dáng thấp hơn nhưng nếu ngồi trong xe thì không thể phân biệt được, ai giả ai thật. Năm 1992, khi lãnh đạo Cuba lâm bệnh nặng, nằm liệt giường, ông “Phi-đen” giả được cho lên xe chủ tịch chạy vòng vòng đường phố, cố ý qua những nơi đông người như đại lộ Prado dọc bãi biển và khu có sứ quán Anh, Pháp. Ngang qua đám đông, chủ tịch giả cũng đưa tay chào như chủ tịch thật, để qua mắt dân chúng.
Castro giống nhà độc tài Mussolini
Sự kiện Fidel Castro sống một hoàng đế cũng được một người bạn cũ của ông xác nhận và thuật lại trong bài phỏng vấn trên tuần báo l’Express: sử gia Elisabeth Burgos, mang hai dòng máu Pháp và Venezuela, một chuyên gia chế độ cộng sản Cuba, hoạt động sát cánh với Fidel Castro từ thời đầu cách mạng chống nhà độc tài Batista trước khi bỏ đi.
Theo sử gia Elisabeth Burgos, Fidel Castro là một nhân vật tài ba, có sức thu hút, có khả năng phân tích và tổng hợp rất cao và lúc nào cũng thủ sẵn 4,5 giải pháp. Nếu Che Guevara là một nhà cách mạng sắt máu, giết người không gớm tay thì Fidel Castro là một người nhiều mưu mô thủ đoạn, thích thao túng hơn là ra tay hạ sát.
Một khác biệt nữa là Che Guevara là một lý thuyết gia, viết nhiều, Fidel Castro ngược lại có đầu óc thực dụng, không bao giờ viết nhưng tài hùng biện thì khỏi chê. Cho đến nay, vẫn còn nhiều nhà lãnh đạo châu Mỹ La tinh và nhiều nước kém phát triển khác thường lui tới Cuba để nghe ông cố vấn và chia sẻ kinh nghiệm quý báu.
Chìa khóa để bền vững là xây dựng mạng lưới nhân sự hậu thuẫn bằng ý thức hệ. Giới trẻ châu Mỹ La tinh được mời sang Cuba học tập, thụ huấn chính trị và quân sự. Sau một thời gian họ trở về nước hoạt động trong công đoàn, trong đoàn thể sinh viên, đảng phái…. Từng đợt này đến đợt kia, ngày nay khắp châu Mỹ la tinh, nơi nào cũng có cán bộ của La Habana.
Nhưng vì sao sử gia Elisabeth Burgos lại bỏ chế độ Castro? Bà cho biết đã sinh ra và lớn lên trong chế độ quân phiệt ở Veneezuela nên khi sang Cuba bà “linh cảm” được ngay điều bất ổn. Đến năm 1971, thì bà và nhiều trí thức Tây phương không thế chấp nhận được vụ oan án Heberto Padilla. Nhà thơ nổi tiếng bị Fidel Castro xử tội vì dám chỉ trích chế độ.
Trong số những nhà trí thức Tây phương tỉnh ngộ sớm nhất là nhà văn Ý Alberto Moravia. Sử gia Elisabeth Burgos kể lại vào ngày đầu năm 1966, khi đứng nghe thông điệp của chủ tịch Cuba tại quảng trường Cách Mạng, Alberto Moravia mặt không đổi sắc, nói nhỏ vào tai của bà: “Phi-đen” làm tôi nhớ Mussolini.

Bao giờ Việt Nam mới được như Cuba?

Những kẻ trọc phú ở Việt Nam nhìn người dân Cuba bằng con mắt của kẻ lắm tiền. Nhưng họ không biết rằng, ở Cuba, có những điều mà ít nhất 2/3 dân số Việt Nam đang nằm mơ cũng không được như vậy.
Gần đây, ông Lê Quảng Ba, Đại sứ Việt Nam tại CHDCND Triều Tiên khi nói chuyện với báo giới về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở Triều Tiên đã thốt lên rằng: “Bao giờ ta có thể làm được như họ!”. Rồi ông lý giải, ở Triều Tiên cơ sở hạ tầng cực kỳ tốt, việc chăm sóc cho trẻ em rất đảm bảo, giáo dục rất được chú trọng… Và ông cũng nói thẳng rằng, không ít người trong chúng ta bấy lâu nay đã nhìn Triều Tiên bằng con mắt phiến diện. Điều này cũng có lỗi là từ ở phía Triều Tiên “bế quan tỏa cảng” về mặt thông tin, khiến cho thế giới không hiểu về quốc gia mình mà lại cứ nghe theo giọng điệu tuyên truyền của một số nước phương Tây. (>> Những điều Việt Nam cần học từ CHDCND Triều Tiên)
Nhân chuyện này, tôi mới nhớ lại những gì đã được “mắt thấy tai nghe” ở một quốc gia - đó là Cuba.
Không ít người Việt sang Cuba mà chủ yếu là các quan chức, một số doanh nhân sang tìm kiếm cơ hội làm ăn đã chê Cuba không tiếc lời. Nào là một đất nước nghèo đói, xe cộ cũ nát chạy tung tăng trên đường; nào là nhiều khu phố nhà cửa xuống cấp, bẩn thỉu; nào người dân sống trong cảnh thiếu thốn, thậm chí thiếu từ cái bàn chải đánh răng. Và bên cạnh đó là một tư duy làm kinh tế cứng nhắc, bảo thủ, trì trệ… Nói nôm na là cái gì cũng kém, cũng xấu. Thậm chí có một vị lãnh đạo của ngành du lịch Việt Nam đã từng phũ mồm “Kiểu làm du lịch của Cuba thì chẳng có gì đáng học”. Nhưng vị này lại không biết doanh thu từ du lịch của Cuba còn cao hơn doanh thu của du lịch Việt Nam, chiếm gần 20% GDP.
Người viết bài này cũng đã được sang Cuba tới 4 lần từ năm 2006 đến nay; cũng đã được làm việc với lãnh đạo Bộ Kinh tế Cuba; Bộ Nội vụ Cuba và lãnh đạo công an một số tỉnh, thành. Rồi cũng đã gặp gỡ không ít cán bộ, công nhân Cuba, trong đó có không ít người đã từng sang giúp ta mở đường Hòa Lạc - Xuân Mai, xây dựng khách sạn Thắng Lợi, mở đường Hồ Chí Minh…
>> Chùm ảnh: Những thành tựu thần kỳ của Cuba dưới kỷ nguyên Fidel Castro
Và quả thật, tôi cũng xin phép được nhắc lại câu của Đại sứ Lê Quảng Ba nếu như nói về Cuba: “Bao giờ ta có thể làm được như họ?!”.
Rõ ràng rằng, bấy lâu nay, cũng do Cuba xa chúng ta quá, hơn nữa, việc cung cấp thông tin còn rất hạn chế, cho nên thế giới và cả Việt Nam nữa - cũng không hiểu Cuba. Rất nhiều lời nhận xét về Cuba là xuất phát từ những kẻ trọc phú ở Việt Nam - đó là một số đại gia lắm tiền nhiều của và họ nhìn người dân Cuba bằng con mắt của kẻ lắm tiền.
Nhưng họ không biết rằng, ở Cuba, có những điều mà ít nhất 2/3 dân số Việt Nam đang nằm mơ cũng không được như vậy.
Tất cả trẻ em Cuba đều được giáo dục miễn phí ngay từ mẫu giáo lớn (5 tuổi) cho đến khi tốt nghiệp đại học hoặc học lên đến tiến sĩ. Trong suốt quá trình học này, học sinh không phải chi một xu cho tiền may đồng phục, tiền mua sắm sách vở, giấy bút và còn được nuôi ăn một bữa hoặc cả ngày (tùy theo từng trường).
Trẻ em Cuba từ khi đi học mẫu giáo đã được học 3 thứ. Đó là: âm nhạc, múa và bơi lội. Còn chữ nghĩa thì cũng có học nhưng chỉ là nhận biết mặt chữ mà thôi. Không có một trẻ em Cuba nào bị thất học, dù đó là ở nơi “thâm sơn cùng cốc”.
Tất cả người dân Cuba đều được khám, chữa bệnh miễn phí và được dùng những loại thuốc tốt nhất có thể. Vào những bệnh viện ở Cuba, không làm gì có cảnh bệnh nhân “lóp ngóp” chui từ gầm giường ra chào hoặc ba bốn bệnh nhân chung nhau một giường (như ở Việt Nam). Việc một ông ủy viên Trung ương nằm chung phòng điều trị với một ông phó thường dân là chuyện bình thường.
Tất cả người dân, trẻ em Cuba đều được uống sữa tươi miễn phí. Nếu là trẻ em dưới 10 tuổi thì đều “như vắt chanh”, mỗi ngày được uống nửa lít sữa và nhà nào không có điều kiện ra cửa hàng lấy thì có người mang sữa đến tận nhà.
Rồi nữa, giáo dục của Cuba được xếp vào hàng tiên tiến nhất thế giới, ngang với Đan Mạch. Y tế Cuba thì đứng vào hàng đầu và họ đã chế ra được vắc-xin phòng chống bệnh ung thư và nhiều loại thuốc đặc biệt khác. Thể thao Cuba thì cũng đứng vào hàng thứ 14, 15 gì đó trên thế giới (trong khi Việt Nam ta chưa được xếp vào thứ bậc nào trên thế giới, hoặc nếu có thì cũng hàng... đội sổ).
Còn về trật tự xã hội thì quả thực đó là một thiên đường cho sự ngăn nắp, nề nếp, văn minh và sự tôn trọng các quy tắc trật tự đô thị, bảo vệ môi trường.
Đúng là người dân Cuba còn thiếu thốn bởi cái lệnh cấm vận cực kỳ dã man của Mỹ. Nhưng trong phạm vi có thể, Chính phủ Cuba đã lo cho trẻ em và người già hết mức. Đấy chính là bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trong một lần, tôi về tỉnh Holguín - quê hương của Chủ tịch Fidel Castro. Vào tối Chủ nhật, tôi ra quảng trường ở thành phố chơi và thực sự kinh ngạc khi thấy có đến cả hơn 100 thanh thiếu niên mang các loại nhạc cụ ra hòa tấu - chủ yếu là bộ hơi (các loại kèn). Hóa ra ở thành phố này có một ông nhạc trưởng. Mỗi tháng một lần, ông lại phát cho những thanh thiếu niên biết chơi nhạc một bản nhạc. Học sinh mang về tập và cứ đến tối Chủ nhật thì lại ra quảng trường tập hòa tấu. Một khung cảnh thanh bình, văn minh hiếm có mà dĩ nhiên, chưa từng thấy ở Việt Nam.
Đi trên đường phố thủ đô La Habana hoặc đến bất cứ cửa hàng nào, không làm gì có cảnh người dân chen lấn, xô đẩy mua hàng hóa hoặc chen lấn lên xe buýt. Một cháu bé đang đi tung tăng trên vỉa hè, nếu vui chân chạy xuống đường thì lập tức tất cả các phương tiện giao thông đang đi trên đường dừng lại, người lái xe sẽ xuống xe dắt cháu trên vỉa hè rồi mới đi tiếp.
Những điều đó - chắc chắn rằng những người vốn nhìn Cuba hay Triều Tiên bằng con mắt “trọc phú” sẽ không bao giờ nhìn thấy bởi họ quen đến những nơi có tiền là có tất cả. Nhưng họ lại không nghĩ rằng, có những điều trong cuộc sống con người ta mà có tiền cũng chẳng thể mua được: Đó là sự hạnh phúc, bình an.
Cuba, Triều Tiên - không phải là họ không biết và không có khát vọng làm giàu. Nhưng họ không làm giàu bằng mọi cách như ở Việt Nam ta. Họ không làm giàu bằng kiểu tàn phá môi trường; không làm giàu bằng các trò làm ăn chộp giật, lừa đảo, bất chấp luật pháp. Đúng là xã hội của họ còn nhiều thiếu thốn, cách quản lý, xây dựng phát triển kinh tế của họ cũng còn nhiều điều phải bàn, phải cải tổ nhưng rõ ràng họ đã chăm lo tốt hơn ta rất nhiều cho đời sống người dân, đặc biệt là trẻ em và người già. Mà nhân đây cũng phải nói thêm rằng, bình quân thu nhập theo đầu người của Cuba còn gấp 3 lần người Việt Nam (khoảng 3.000USD/người/năm). Chỉ có điều là Cuba đã dành 54% tổng thu nhập quốc gia cho giáo dục và y tế.
Bao giờ Việt Nam ta mới được như thế!?
Theo NĂNG LƯỢNG MỚI

Fidel Castro để lại Cuba trong tình trạng khốn cùng




Trẻ em chơi đùa trên đường phố luôn thiếu điện ban đêm.

(Le Figaro 28/11/2016) Một thời kỳ vô cùng bất định mở ra tại hòn đảo trên vịnh Caribê, sau khi nhà độc tài già nua qua đời.

« Chẳng có gì thực sự thay đổi tại Cuba một khi Fidel còn sống » - một nhà kinh tế phương Tây làm việc tại La Habana gần đây đã thổ lộ. Một thanh niên gia đình khá giả ở La Habana nói thêm : « Trước cách mạng, chúng tôi có các trang trại và nhà cửa, tất cả đều bị Fidel tịch biên. Nhiều người trong gia đình không thể chịu đựng nổi. Họ đã chết ». Những phát biểu như thế cách đây một thập niên là không thể hình dung nổi.


Fidel đã trút linh hồn, nhưng phần lớn di sản của ông đã mất đi từ khi nhường quyền lại cho người em trai năm 2006. Giáo dục vẫn là miễn phí cũng như y tế, nhưng để thực sự được thụ hưởng hệ thống y tế tuyệt vời của Cuba, nay phải biết tặng một regalito (món quà) cho các y bác sĩ. Tại các bệnh viện đa khoa, những áp-phích ghi rõ « Dù y tế là miễn phí, nhưng vẫn tốn kém ». Chế độ lương bổng bình đẳng và chủ nghĩa xã hội biến mất, nhường chỗ cho chủ nghĩa tư bản theo kiểu Cuba, dù không nói ra.

Cuba đã thay đổi rất nhiều từ một thập niên qua. Raul Castro, một con người thực dụng, đã dần dà tiến hành nhiều biện pháp cải cách kinh tế từ khi lên cầm quyền, đặc biệt từ năm 2010, cho đến ngày 08/11/2016 vừa qua. Một dấu mốc thời điểm.

Fidel Castro vẫn là thần tượng.
Việc Donald Trump đắc cử hiện là một dấu hỏi rất lớn đối với dân Cuba. Tổng thống tân cử Mỹ sẽ tăng cường cấm vận Cuba ? Hay khi thấy Fidel Castro đã chết, ông ta sẽ dỡ bỏ ? Doanh nhân Donald Trump sẽ ưu tiên cho xu hướng chống chủ nghĩa Castro ? Có lẽ chỉ có thần Orula chuyên tiên tri của đạo Santeria ở Cuba mới biết được.

Mới cách đây mấy tuần ở La Habana, tất cả các nhà quan sát đều đồng tình rằng Hoa Kỳ đã đi quá xa trong việc xích gần lại với Cuba, để có thể thối lui. Ở giai đoạn này, không ai có khả năng xác định được chính sách mới của Nhà Trắng về hòn đảo lớn nhất vịnh Caribê sẽ như thế nào. Dù vậy vẫn còn những điều căn bản, nhất là trong chính sách đối nội và kinh tế.

« Raul Castro có tầm nhìn rất rõ ràng về tương lai kinh tế của Cuba, nhưng không có bất kỳ kế hoạch nào cho tương lai chính trị của đảo quốc, hoặc là ông ấy giấu rất kỹ ». Một nhà kinh tế phương Tây nhận định như trên và nói thêm : « Không thể có mở cửa chính trị, bởi vì các lãnh đạo Cuba lo sợ sẽ phải ra trước một tòa án quốc tế. Và nếu xem xét kỹ Cuba, tôi không chắc rằng đó là đúng đắn. Tất cả không thể đổ cho chế độ, đó mới là vấn đề ».

Việc chuyển đổi ban đầu sẽ thông qua Raul Castro, 85 tuổi, và bởi ê-kíp lãnh đạo. Ngược với những lời đồn đãi, giới lãnh đạo Cuba không phải là những người già lão, ngoại trừ vài vị lão thành quân sự. Một thế hệ các bộ trưởng tuổi bốn mươi hay năm mươi đang điều hành công việc. Tuy vậy không có ai nổi tiếng trong dân chúng, hay có được tính chính danh nhờ từng tham gia cách mạng.

Ngoài các con của Raul là đại tá Alejandro Castro và người chị Mariela ngày càng tiến gần trung tâm quyền lực, còn phải kể đến quân đội vốn sở hữu nhiều công ty quốc doanh béo bở nhất, đặc biệt trong lãnh vực du lịch.

Raul liệu có thoát được chiếc bóng của người anh Fidel?
Sự cô đơn của Raul Castro

Hai anh em nhà Castro biết cách khôn khéo làm giảm nhẹ sự bất bình của quần chúng. Những năm gần đây, lãnh tụ tối cao đóng vai cha già dân tộc, đứng ngoài những đấu đá và không dính vào công việc hiện tại. Ngược với ông em, Fidel được dân chúng yêu mến. Raul Castro từ nay sẽ phải đơn độc trên tuyến đầu.

Trừ phi để mặc cho Cuba đi đến cái chết, Raul sẽ phải nghiêm túc chuẩn bị việc kế thừa, cho dù ông Miguel Diaz-Canel Bermudez, 56 tuổi, đã được chỉ định làm nhân vật số hai của chế độ từ năm 2013. « Diaz-Canel ? Đó là một con rối. Raul sẽ tống khứ đi » - Pedro, cựu quan chức bộ Nội vụ khẳng định. Còn giới đối lập thì hoàn toàn vô tổ chức và không được dân chúng biết đến.

Đa số người dân Cuba sống trong cảnh nghèo khó, tạm bợ.
Tình hình kinh tế sau một thời gian ngắn khởi sắc, hiện vô cùng thảm hại. Nhiều chuyên gia ở Florida nghĩ rằng tổng sản phẩm nội địa Cuba sẽ giảm sút 1% trong năm 2016. Cuộc khủng hoảng kinh tế của Venezuela, đối tác thương mại quan trọng nhất của Cuba và là nhà cung cấp dầu lửa với giá hầu như cho không, là nguyên nhân chủ yếu của sự sa sút này.

Đứng xa khỏi chủ nghĩa giáo điều của người anh, Raul Castro có thể cố gắng tăng tốc chuyển đổi sang tư bản…nếu Donald Trump không chống đối.

(Chú thích của người dịch : Hôm nay 28/11/2016 Donald Trump vừa đe dọa sẽ ngưng lại tiến trình bình thường hóa với Cuba nếu La Habana không chỉnh đốn về nhân quyền, hoặc không mở cửa kinh tế). 

Mời đọc lại:
Cuba: Bước đầu tan rã của một Nhà nước toàn trị (1) 
Cuba: Bước đầu tan rã của một Nhà nước toàn trị (2) 
Cuba: Bước đầu tan rã của một Nhà nước toàn trị (3) 
 

Artikel Terkait


EmoticonEmoticon