Senin, 28 November 2016

Fidel Castro, nhà xuất khẩu Cách mạng Cuba; Fidel Castro qua đời: Phản ứng quốc tế

Tags


RFI


mediaÔng Fidel Castro trong một hội nghị về chống khủng bố tại La Habana ngày 03/06/2005.REUTERS/Mariana Bazo/ảnh tư liệu
Cuba dưới thời Fidel Castro được biết đến như là tiền đồn của chủ nghĩa Cộng sản chống đế quốc Mỹ ở tây bán cầu. Nhưng Lider Maximo còn muốn người dân của “hòn đảo tự do” trở thành những người lính xung kích đi khắp thế giới làm « nghĩa vụ quốc tế » phục vụ tham vọng xuất khẩu cuộc Cách mạng Cuba ra toàn cầu.
Năm 2006, khi đã rút khỏi quyền lực vì sức khoẻ suy yếu, lãnh tụ cách mạng Cuba đã tự hào nhìn lại thành quả của mình khi tuyên bố :« Hơn một triệu rưỡi người Cuba đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trên cương vị là kỹ thuật viên hay chiến sĩ. Chúng ta đã tạo ra văn hoá của chủ nghĩa quốc tế chống lại chủ nghĩa Sô Vanh nước lớn ».
Dưới cái nhìn của Fidel Castro, kẻ thù duy nhất, ở khắp nơi luôn chỉ là Hoa Kỳ. Ngay từ ngày đầu lên nắm quyền 1959, ông đã biến Cuba thành vùng đất rộng mở đón tiếp, huấn luyện cho tất cả các lực lượng du kích quân bị các chế độ độc tài thân Hoa Kỳ ở các nước nam Mỹ truy đuổi.
Cuba của Fidel Castro, trong thập niên 1960 đã là nơi cung cấp vũ khí, cố vấn quân sự, tiền bạc, chuyên gia y tế giáo dục cho những du kích quân ở Venezuela năm 1960, những người nổi dậy ở Algeri năm 1961, ở Achentina năm 1963. Với chế độ miền ắc Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Fidel đã có tuyên bố : « Vì Việt Nam Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu ». Thực tế chính quyền Fidel Castro đã rất hào hiệp giúp đỡ Hà Nội trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cả về con người cũng như vật chất. Cho đến giờ, các thế hệ lãnh đạo Cộng sản ở Hà Nội vẫn luôn giành sự biết ơn và kính trọng đặc biệt với ông Fidel Castro.
Năm 1955, Fidel Castro gặp vị bác sĩ người Achentina Ernesto Che Guevara trong thời kỳ lưu vong tại Mêhico, sau trở thành một trong những người hùng của cuộc Cách mạng Cuba và là thần tượng của phong trào giải phóng ở các nước thế giới thứ 3. Che đã được Fidel cử đi gây dựng phong trào kháng chiến ở tận Congo trước khi thất bại hoàn toàn ở Bolivia và bị hành quyết tại đó năm 1967.
Năm 1963, người Maroc bất ngờ thấy đối mặt với họ ở cuộc xung đột biên giới với Algeri là một lữ đoàn xe tăng với 2000 lính Cuba. Đó chính là kết quả của sự giúp đỡ quốc tế của La Habana với chính quyền Algeri vừa giành được độc lập từ thực dân Pháp, đang ngả theo Liên Xô để trở thành hạt nhân phong trào cách mạng dân tộc ở châu Phi.
Ngay từ năm 1965, các cơ quan tình báo của Bồ Đào Nha đã nhận thấy, cán bộ của các phong trào kháng chiến tại những nước thuộc địa của Bồ Đào Nha như Angola, Guiné Bissau đều được huấn luyện tại La Habana.
Trong những năm 1960, thủ đô của Cuba có thể được coi như là « thánh địa » của những nhà cách mạng trên thế giới. Fidel sau này thừa nhận đã khuấy động « cách mạng » ở khắp nơi trên thế giới.
Trợ thủ đắc lực cho Fidel Castro trong sứ mệnh xuất khẩu cách mạng này là « tư lệnh »Manuel Pineiro, biệt danh là « Râu Đỏ », một gián điệp bậc thầy và bên cạnh đó là các nhân viên đặc biệt trong « Vụ châu Mỹ » của đảng Cộng sản Cuba.
Với Fidel Castro, trang sử hoành tráng nhất của tinh thần quốc tế cộng sản chính là chiến trường Angola. Tại đó hơn 400 000 quân của Cuba đã tham gia trong 15 năm chiến đấu cho Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola (MPLA) chống lại lực lượng nổi dậy UNITA của Jonas Savimbi, được Nam Phi hậu thuẫn. Quân đội Cuba cũng đã để lại những dấu ấn trong các cuộc xung đột ngắn ở Ethiopia (1977-1978) hay tại Congo thuộc địa Bỉ năm (1965).
Trở về khu vực Trung Mỹ, tại Nicaragua năm 1979. Cuba đã đưa rất nhiều cố vấn hỗ trợ cho lực lượng, Mặt trận Sandino, mở cuộc tấn công cuối cùng vào thủ đô Managua đánh đổ chế độ độc tài Anastasio Somoza. Trong khi đó tại Salvador, các du kích quân ở đây thông qua Cuba đã nhận được không ít vũ khí để làm cách mạng.
Thời của đội quân áo trắng
Năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ, hai năm sau đó, Liên Xô tan rã, chiến tranh lạnh đông tây kết thúc. Những biến cố đó cũng đã dập tắt hy vọng nhen nhóm ngọn lửa cách mạng trên toàn cầu của Fidel Castro. Các chiến binh cách mạng quốc tế giờ được nhường bước cho « đội quân áo choàng trắng ». Từ năm 1960, chính quyền La Habana đã đưa không dưới 135 000 chuyên gia y tế tới khắp nơi trên thế giới. Hiện tại, vẫn còn khoảng 50 000 bác sĩ và nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại 66 nước Mỹ Latin, châu Phi và châu Á, theo số liệu của bộ Y Tế Cuba.
Tuy nhiên, tính chất nhiệm vụ của « đội quân áo trắng » Cuba ngày nay cũng đã khác trước nhiều. Các chuyên gia Cuba không còn thực thi tinh thần quốc tế cao cả vô tư mà chủ yếu họ làm việc để mang về những đồng ngoại tệ giúp đất nước đương đầu với những khó khăn do nguồn tài trợ từ khối Cộng sản bị cắt, trong khi bao vây cấm vận của Mỹ vẫn tiếp tục.
Cũng phải thừa nhận, chế độ Cộng sản La Habana đã xây dựng thành công một đội ngũ chuyên gia y tế khá hùng hậu, trình độ chuyên môn tốt. Rất đông đảo chuyên gia y tế của Cuba đã tham gia tích cực vào các đợt cứu trợ nạn nhân động đất ở Algeri, ở Mêhico, qua Pakistan hay Armenia. Gần đây nhất, Cuba đã cử một đoàn bác sĩ nhân viên y tế đông nhất, 461 người, đến giúp các nước Tây Phi chống trận dịch chết người Ebola.

Fidel Castro qua đời: Phản ứng quốc tế

mediaFidel Castro (T) và tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, ngày 13/08/2016 nhân lễ mừng 90 tuổi của Fidel Castro.Ismael Francisco/Cubadebate/Reuters
Một trong những lãnh đạo đầu tiên có phản ứng về việc cha đẻ Cách mạng Cuba từ trần là tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, đồng minh thân cận nhất của La Habana. Trên trang twitter của ông, tổng thống Maduro kêu gọi “toàn thể các nhà cách mạng của thế giới” tiếp nối “di sản” của Fidel. Ông Maduro cho biết đã đích thân gọi điện cho người em Raul Castro để “chuyển tình đoàn kết và tình yêu thương của Venezuela đến nhân dân Cuba”.
Tại châu Âu, chỉ vài giờ sau khi thông tin Fidel Castro qua đời được loan báo, tổng thống Pháp François Hollande, hiện đang dự thượng đỉnh khối Pháp ngữ ở Madagascar, đã ra thông cáo, xem cựu chủ tịch Cuba đã là hiện thân của Cách mạng Cuba, “với những hy vọng mà cuộc cách mạng này đã dấy lên, và sau đó là với những thất vọng mà nó đã gây ra”.
Tổng thống Hollande cho rằng đối với người dân Cuba ông Fidel Castro đã là “niềm tự hào của một dân tộc chống sự thống trị của ngoại bang”. Thủ tướng Tây Ban Nha Marino Rayoy thì nêu bật “ tầm vóc lịch sử” của Fidel Castro, nhấn mạnh đến ảnh hưởng của ông đối với Cuba và khu vực.
Tại Nga, tổng thống Vladimir Putin cũng đã ra ngay thông cáo, cho rằng ông Fidel Castro đã là “biểu tượng của một thời kỳ” trong lịch sử đương đại của thế giới. Còn cựu tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, được hãng tin Interfax trích dẫn, thì ca ngợi Fidel đã biết “củng cố đất nước” và “đương đầu với cuộc phong tỏa của Mỹ”.
Tại châu Á, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong một phát biểu được đọc trên truyền hình tối nay, đã tuyên bố rằng ông Fidel Castro, “người đồng chí tốt và chân thành của nhân dân Trung Quốc”, sẽ sống mãi.
Trước khi chính phủ có phản ứng chính thức, báo chí hai nước Trung Quốc và Việt Nam hôm nay đã ca ngợi ông Fidel Castro, nêu lên mối quan hệ đặc biệt giữa cựu chủ tịch Cuba với các chế độ Cộng sản châu Á. Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV nhắc lại rằng Cuba đã là quốc gia châu Mỹ đầu tiên lập bang giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1960. Còn Thông tấn xã Việt Nam thì ca ngợi ông Fidel Castro là một “lãnh tụ vĩ đại”, là “tấm gương sáng chói của các phong trào giành độc lập và phong trào cách mạng của các quốc gia châu Mỹ Latinh và thế giới”.

Artikel Terkait


EmoticonEmoticon