Sabtu, 26 November 2016

Fidel Castro và Lý Quang Diệu đều nắm quyền cai trị đất nước năm 1959: Một người chống Mỹ, một người hợp tác với Mỹ và hệ lụy...

Tags

Nhìn Lại 50 Năm Cuba Dưới Sự Cầm Quyền Của Fidel Castro

MẠNH KIM

Nhà báo
 WEBSITE SÀI GÒN
Nhìn lại 50 năm Cuba dưới sự cầm quyền của Fidel Castro
Đã có những bài viết nhìn lại thành tựu “xây dựng XHCN” của Fidel Castro. Việc Cuba có một chính sách giáo dục miễn phí “tuyệt vời” luôn được nhắc lại như một trong những ưu điểm nổi trội của đất nước này. Tuy nhiên, người ta không đặt ra một câu hỏi liên quan: tại sao nền giáo dục ấy không mang lại sự thịnh vượng cho đất nước Cuba? 
Cuba có một “nền y học xuất sắc” nhưng tại sao Cuba chỉ “xuất khẩu” được các bác sĩ thay vì có những công trình nghiên cứu cách mạng đột phá đóng góp cho y học thế giới? Để có cái nhìn rõ hơn, thử so sánh Cuba với Singapore, hay chính xác hơn là so sánh Fidel Castro với Lý Quang Diệu (ông Lý chết năm 2015 khi 91 tuổi; Fidel mới chết khi 90 tuổi).
Cả Fidel và Lý đều lên nắm quyền cùng năm 1959, thời điểm mà Cuba giàu hơn Singapore. Trong khi Singapore là một thương cảng nghèo, Cuba đã nổi tiếng với nền công nghiệp du lịch và giàu tài nguyên. Đó là thời điểm Cuba xếp hạng năm khu vực về thu nhập đầu người, hạng ba về tuổi thọ, hạng hai tỷ lệ đầu người sở hữu xe hơi, và hạng nhất về tỷ lệ đầu người sở hữu tivi. Sau hơn nửa thế kỷ, sự khác biệt giữa Cuba và Singapore chẳng có gì để bàn cãi. Nó cho thấy sự thành công và thất bại giữa hai mô hình kinh tế: kinh tế tập trung và thị trường tự do. Nó cũng cho thấy sự thất bại và thành công giữa hai mô hình chính trị: XHCN và tư bản tự do.
Năm 1959, khi Fidel lên nắm quyền, GDP đầu người Cuba là khoảng 2.067 USD/năm, so với 3.239 USD của Puerto Rico. Đến 1999, 40 năm sau, GDP Cuba gần như giậm chân tại chỗ với 2.307 USD; trong khi đó Puerto Rico là 13.738 USD. Từ 1965 đến 1990, năm mà họ Lý rời ghế thủ tướng, GDP Singapore tăng 2.800%, từ 500 USD lên 14.500 USD. Trong khi đó, Cuba dưới sự cai trị độc tài của Fidel, kinh tế quốc gia suy tàn, doanh nghiệp tư nhân bị xóa sổ và tỷ lệ nghèo vọt lên 26%. Chuẩn sống trung bình người dân tệ hơn trước thời Liên Xô sụp đổ. Tính đến năm 2015, trong số 11,3 triệu người Cuba, chỉ 5 triệu (không đến 45% dân số) là tham gia lực lượng lao động. Với Singapore (5,4 triệu dân), lực lượng lao động chiếm hơn 3,4 triệu người!
Xét về các chính sách thị trường tự do, Singapore hạng nhất thế giới trong danh sách các quốc gia có chính sách ưu đãi doanh nghiệp do Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) xếp chọn. Tính đến năm 2015, Singapore đứng thứ hai liên tiếp trong 4 năm trong danh sách các quốc gia có nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn kinh tế thế giới bình chọn. Tổ chức Heritage xếp Singapore hạng nhì thế giới trong danh sách Chỉ số tự do kinh tế 2015 (Index of Economic Freedom-IEF). Trong khi đó, Cuba được xếp hạng 177 trong danh sách IEF và bị đánh giá là nước có nền kinh tế “ít tự do nhất trong 29 quốc gia khu vực Trung Mỹ, Nam Mỹ và Caribê”. Cuba thậm chí không được xếp hạng trong danh sách 189 nền kinh tế của World Bank Group.
Người dân Cuba, với cái bụng lép, trong nhiều thập niên, vẫn phải gượng sức hô to những khẩu hiệu sáo rỗng và lặp đi lặp lại như cái máy hát rằng “XHCN là ưu việt”, là “con đường tất yếu của thời đại”, là “xu thế của loài người văn minh”. Tuy nhiên, Fidel đã thiết kế một mô hình xã hội khác khá xa với văn minh loài người. Ở đất nước ông, người dân không phải đóng thuế bất động sản hoặc trả tiền lãi cho nhà mua góp nhưng người dân cũng không được phép xây ngôi nhà của chính mình (mãi đến năm 2010 họ mới được phép làm điều này!). Ở đất nước ông, học sinh được miễn phí đi học. Tuy nhiên, miễn phí giáo dục không đồng nghĩa với tự do trong giáo dục và tự do trong tư duy.
Mãi đến năm 2008, Raúl Castro mới đề cập một “chủ trương” “chưa từng có” trước đó: lần đầu tiên, việc mua máy tính, đầu máy DVD và lò viba là có thể được hợp pháp hóa! Đó cũng là năm mà người dân Cuba được phép sử dụng điện thoại di động... Cuộc cách mạng “chấn động địa cầu” của Fidel đã đóng một dấu ấn lịch sử chính trị thế giới và nó ít nhiều từng “gây cảm hứng” cho một thế hệ “sôi sục cách mạng” của thời ông, nhưng di sản cai trị của ông đã để lại quá nhiều hậu quả bi thảm mà ảnh hưởng của nó không chỉ đối với một thế hệ người dân Cuba. Ông có thể được các “đồng chí XHCN” của ông nhìn nhận như là một nhân vật “tiên phong cách mạng” nhưng ông thật ra là một trong những người đi chậm nhất, lạc hậu nhất, và bảo thủ nhất, ngay cả trong chính thời đại của mình. Như nhiều lãnh tụ cộng sản khác, ông xây dựng nên một huyền thoại cho cá nhân mình hơn là tạo dựng ấm no và hạnh phúc thật sự cho người dân của ông.

Artikel Terkait


EmoticonEmoticon