Rabu, 30 November 2016

Lượng vốn ODA Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam là 'điều bí mật’

Tags

Đăng lúc: 29.11.2016 16:50

In bài viết
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vay vốn Trung Quốc liên tục chậm tiến độ, đội vốn
   Đây là chia sẻ của TS Trần Toàn Thắng, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại hội thảo đánh giá về tác động của vốn vay Trung Quốc ngày 29.11.
Dễ chứ không rẻ
Theo TS Trần Toàn Thắng, thông tin về ODA được coi là bí mật: “Chúng tôi gọi sang Bộ Kế hoạch - Đầu tư hỏi về vốn ODA Trung Quốc thì được trả lời đây là vấn đề bí mật. Điều này khác với vốn ODA từ WB hay ADB và nhiều định chế tài chính khác, chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận”.
Hơn nữa, theo ông Thành, một điểm khác trong ODA Trung Quốc là họ không cam kết cung cấp ODA hằng năm cho Việt Nam như các định chế tài chính khác, chỉ làm theo từng dự án riêng.
Nói về ODA Trung Quốc, TS Phạm Sỹ Thành (Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc – VEPR) cho biết những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành nước cung cấp tài chính phát triển lớn nhất thế giới với việc cung cấp tới 116,4 tỉ USD ra phạm vi toàn cầu. Sự nở rộ này một phần do điều kiện vay vốn của Trung Quốc rất dễ dàng, thấp hơn nhiều so với các định chế tài chính trên thế giới như WB, ADB… Đặc biệt là không vướng vào vấn đề môi trường và nhân quyền - những điều mà các quốc gia đang phát triển né tránh.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng vay vốn từ Trung Quốc dễ chứ không rẻ, Việt Nam cần cẩn trọng, không nên sốt sắng với việc vay vốn từ Trung Quốc để đầu tư các dự án bởi vì hàng loạt vấn đề như môi trường, lãi suất, tỷ giá, khả năng trả nợ, chất lượng công trình...
Theo chuyên gia này, chính sách của Trung Quốc là cho vay vốn, trả bằng khoáng sản, nguyên liệu. Bài học xảy ra tại Brazil, Venezuela, Angola.... là cảnh báo đối với các nước đang và chậm phát triển, lạm dụng vốn Trung Quốc.
Ông Thành cũng cho biết hầu hết những công trình của Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam đều không có hiệu quả. Trung Quốc biết các quốc gia đang phát triển yếu gì, muốn gì và cần gì. Hơn nữa, tham nhũng ở các quốc gia này rất mạnh nên việc vay vốn dễ dàng sẽ dẫn đến tình  trạng tham nhũng tràn lan, nghiêm trọng hơn, khiến hiệu quả dự án thấp, lãng phí, thất thoát.
“Có những nhà thầu Trung Quốc từng tuyên bố trả hoa hồng 50% mà dự án vẫn rất hiệu quả” – ông Thành nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng chúng ta vẫn lập luận vốn vay từ các định chế tài chính khác trên thế giới cũng có nhiều vấn đề chứ chả riêng gì Trung Quốc. Tuy nhiên, các định chế tài chính từ Nhật Bản, WB hay ADB đều có điều kiện ràng buộc chặt chẽ về môi trường, lao động và tính minh bạch.
Ví dụ như vụ PMU18 hoặc dự án đại lộ Đông Tây (TP.HCM), khi dư luận bùng lên, Việt Nam vẫn bác bỏ nghi vấn tham nhũng nhưng phía Nhật Bản đã điều tra, chỉ rõ và xử lý đến nơi đến chốn vấn đề tham nhũng tại đây, yêu cầu nếu không xử lý dứt điểm sẽ cắt ODA.
Theo TS Thành, một trong những vấn đề khiến nhiều người lo ngại trong vốn đầu tư từ Trung Quốc là vấn đề môi trường. Nếu không cảnh giác, các quốc gia đi vay sẽ phải trả giá rất đắt. Ví dụ ô nhiễm môi trường, nhiều người chỉ để ý đến việc xử lý trực tiếp. Ô nhiễm biển thì chỉ để ý việc làm sạch môi trường biển, bồi thường chứ không mấy ai để ý đến sinh kế lâu dài của biết bao người dân ở khu vực đó.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng vay vốn của Trung Quốc đều mang đến việc gánh nợ nhiều hơn so với hình dung ban đầu. Ví dụ như dự án đường  sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, lúc đầu chỉ khoảng 300 triệu USD nhưng hiện nay đã gánh nợ lên gần 900 triệu nhưng vẫn chưa xong, có thể còn phải đi vay tiếp.
“Nguy cơ gánh nợ cao hơn rất nhiều so với vốn vay ban đầu. Khoản chênh lệch có thể có phần trăm ăn chia, trách nhiệm không quy được cho ai” – bà Lan nói.
Tiền đến đâu, người đến đó
Theo TS Phạm Sỹ Thành, các dự án có vốn Trung Quốc đều đi kèm với nhân lực lao  động Trung Quốc bởi quan điểm của quốc gia này là “tiền đi tới đâu thì người tới đó”. Có hàng nghìn cho đến hàng chục nghìn người Trung Quốc tới làm việc tại những quốc gia vay tiền của Trung Quốc. Như vậy, việc vay vốn sẽ tạo ra bao nhiêu việc làm cho lao động bản địa, ông Thành thắc mắc.
Việc đưa lao động Trung Quốc đi khắp các dự án không chỉ khiến mất công ăn việc làm của người bản địa mà còn gây ra xung đột văn hóa với người dân bản địa. Những dự án có vốn vay của Trung Quốc không chỉ dung túng thêm cho tình trạng tham nhũng mà còn làm trầm trọng thêm xung đột của người dân với chính quyền.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng vay nhiều vốn Trung Quốc sẽ chèn ép doanh nghiệp nội địa. Có những dự án chỉ vài trăm triệu đô la, doanh nghiệp nội thừa sức làm nhưng vẫn đi vay bên ngoài. Điều đó khiến cho doanh nghiệp nội không thể lớn lên được, không nâng cao được năng lực quản trị cho doanh nghiệp Việt.
Cùng với đó, đồng vốn Trung Quốc cũng làm đảo lộn quy hoạch phát triển của các ngành, gây khó khăn cho các ngành khác, theo bà Lan.
“Chúng ta coi nhẹ nguồn lực trong nước, vẫn còn tâm lý mong muốn ODA, FDI. Chính quyền nghĩ đến thu hút vốn vay nhiều hơn là huy động nguồn vốn trong dân. Huy động trong dân bằng các tạo điều kiện cho họ đầu tư làm ăn thì mới hiệu quả. Nếu quá nhấn mạnh ngoại lực mà quên đi nội lực thì tiềm năng lớn cũng chỉ để nước ngoài khai thác” – bà Lan nói.
Trí Lâm

Artikel Terkait


EmoticonEmoticon