TP - Ngày 20/5, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với lãnh đạo TPHCM, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, chỉ có 13/63 tỉnh, thành phố điều tiết ngân sách về trung ương. Nhiều tỉnh, thành thu ngân sách mỗi năm chưa tới 1.000 tỷ đồng, nhưng phải chi 4.000 - 5.000 tỷ đồng để nuôi bộ máy hành chính địa phương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát dự án tuyến metro số 1 TPHCM.
TPHCM đề nghị thưởng
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm lại đề nghị trung ương thưởng dự toán thu ngân sách năm 2015. Theo đó, năm 2015, số thu ngân sách trên địa bàn TPHCM đạt 255.000 tỷ đồng, bằng 109,08% dự toán, tăng 16,03% cùng kỳ, trong đó thu ngân sách trung ương thưởng theo phân cấp là 199.771 tỷ đồng.
Căn cứ quy định, TPHCM phải được thưởng 10.000 tỷ đồng (số tròn), trong đó thưởng vượt thu 899 tỷ đồng và thưởng bổ sung có mục tiêu từ nguồn vượt thu cho trung ương là 9.100 tỷ đồng. Vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM đã có Công văn số 1974 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ.
“10 năm qua, TPHCM cải tạo được hơn 22 chung cư cũ sắp sập. Với cơ chế này, 474 chung cư còn lại không giải quyết nổi. Người dân lúc nào cũng sống trong cảnh nơm nớp, phập phồng lo sợ? Có cần cơ chế kiểu như cầu Ghềnh. Sập một cái lãnh đạo chính phủ, các bộ ngành đến thăm trong khi cái cầu bé tí. Trước đó cứ băn khoăn mãi, nào là cầu cũ, cầu cổ rồi không làm”.
Ông Đinh la Thăng
Ông Liêm cũng đề xuất một số cơ chế tài chính đặc thù cho TPHCM nhằm tạo nguồn lực phát triển nhanh hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước. Từ năm 2011 đến nay, ngân sách TPHCM được hưởng 23% trên tổng số thu, mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã có chủ trương tạo điều kiện cho TPHCM phát triển nhưng thực tế lại giảm dần qua thời kỳ. Giai đoạn 2004 -2006 phân chia tỷ lệ 29%, đến 2007 -2010 còn 26% và từ năm 2011 đến nay là 23%. Đây chính là một trở ngại trong việc tập trung nguồn lực cho TPHCM để phát triển nhanh hơn, từ đó tạo ra nguồn thu lớn hơn.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, tiềm năng TPHCM còn rất lớn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt hai con số chứ không khiêm tốn mức 8% như hiện nay do đang bị trói buộc bởi các cơ chế không thể vượt qua, kìm hãm sự phát triển.
Ông Thăng nói: “TPHCM cần nạo vét luồng Soài Rạp mà không có tiền. Xin cơ chế thu phí để nạo vét từ ngày tôi còn làm Bộ trưởng GTVT đã ký văn bản đồng ý đề nghị của thành phố. Thường trực Ban bí thư, Thủ tướng đồng ý, Bộ trưởng Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư gật đầu rồi, vậy mà đến nay chưa xong. Bé như cái móng tay nửa năm nay chưa xong làm sao đột phá. Cứ như thế chỉ dẫn đến đột tử thôi”.
Bộ Tài chính kêu khó
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí nói: “Tôi rất chia sẻ. Mình thu vượt mà không được thưởng cũng bực lắm nhưng tình hình bây giờ rất khó”. Ông Chí giải thích: Kết thúc năm tài chính 2015, bình diện chung ngân sách nhà nước vượt 9,4%, tức khoảng 85.000 tỷ. Bộ đã trình Quốc hội nhưng số vượt này là của các địa phương.
Theo Luật Ngân sách, thu vượt thì được phép sử dụng. Cái khó là ngân sách trung ương hụt thu. Lúc đó ngân sách vượt thu không nhiều, chỉ 3.900 tỷ đồng, phải bù giảm thu 2.226 tỷ đồng cho các địa phương. Như vậy chỉ còn 1.690 tỷ đồng dành cho phần vượt thu các địa phương. Việc giải quyết thưởng thu vượt cho TPHCM rất khó khăn vì còn nhiều thứ phải lo như an sinh xã hội đa chiều, an ninh, quốc phòng...
Theo báo cáo của ông Nguyễn Hữu Chí, hiện chỉ có 13/63 tỉnh, thành có điều tiết thu ngân sách về trung ương, trong đó chủ yếu là Hà Nội và TPHCM, các địa phương khác không đáng kể. TP Cần Thơ điều tiết về Trung ương 300 tỷ đồng, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên thu chưa được 1.000 tỷ đồng mà phải chi 4000 -5000 tỷ đồng. Hậu Giang thu chỉ được 1.200 tỷ đồng, Sóc Trăng, Trà Vinh chưa được 1.500 tỷ đồng. Bạc Liêu thu chưa tới 1.300 tỷ đồng.
“Các khoản thu ở ĐBSCL chủ yếu là từ xổ số kiến thiết, phần lớn dành chi cho phúc lợi. Bến Tre trước kia chưa tới 1.000 tỷ, bây giờ mới nâng lên được 1.800 tỷ. Thu ít, nhưng phải nuôi bộ máy hành chính khoảng 4.000 tỷ đồng/tỉnh/năm, nếu không điều tiết từ các địa phương khác thì không thể có ngân sách. Trước đây, nói thật Trung ương đã tính chỉ để lại cho TPHCM 20% số thu nhưng thấy ít quá nên mới nâng lên 23%” – ông Chí cho biết.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu xây dựng đề án đề xuất các cơ chế vượt trội trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Những vấn đề gì vượt quy định pháp luật, Thường trực Chính phủ sẽ cân nhắc việc trình Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành Nghị quyết về các cơ chế vượt trội cho TPHCM.
Ông Huệ yêu cầu rà soát lại quỹ nhà, đất của các tổng công ty, cơ quan trên địa bàn, cần thiết thì Chính phủ sẽ xem xét lại cơ chế để thu hồi, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.
“Nhiều mặt bằng hết hoạt động rồi nhưng các bộ ngành, đơn vị cương quyết không trả. Phải làm quyết liệt. Ai không trả, vạch mặt chỉ tên. Đất đai, nhà đất là tài sản công. Nguồn này rất lớn. Sắp tới Hà Nội và các thành phố lớn cũng làm. Làm rồi phải công khai cho dân biết” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
VN xếp thứ 8/178 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất
Việt Nam là một trong các quốc gia có chất lượng không khí ô nhiễm nhất, đứng thứ 8 từ dưới lên trong số 178 quốc gia được khảo sát về chỉ số đánh giá môi trường.
Ngày 26.11, tại TP.HCM, Tổ chức Thương mại Thụy Điển phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức hội thảo “Các giải pháp giao thông bền vững an toàn - chia sẻ kinh nghiệm giữa VN và Thụy Điển”, nhân chuyến thăm Việt Nam của đoàn doanh nghiệp (DN) giao thông của Thụy Điển, do Thứ trưởng phụ trách cơ sở hạ tầng Erik Bromander dẫn đầu.
Theo hai cơ quan này, năm 2014, Việt Nam là một trong các quốc gia có chất lượng không khí ô nhiễm nhất, đứng thứ 8 từ dưới lên trong số 178 quốc gia được khảo sát về chỉ số đánh giá môi trường. Một phần nguyên do sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân.
Dịp này, nhiều DN cung cấp giải pháp hàng đầu trong lĩnh vực giao thông công cộng của Thụy Điển đã giới thiệu các công nghệ, giải pháp giao thông tích hợp hoàn chỉnh đang áp dụng tại thủ đô Stockholm.
Tiếp đoàn, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã cho biết TP đang triển khai kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực giao thông công cộng, bao gồm phát triển hệ thống xe buýt nhanh (BRT), thu phí giao thông không dừng và hệ thống giao thông thông minh. Đây là những lĩnh vực phù hợp với kinh nghiệm và giải pháp sẵn có của Thụy Điển.
Đình Mười - Tân Phú
EmoticonEmoticon