Thứ 7, 08:25, 03/09/2016
VOV.VN - Nhiều học giả Pháp cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực PCA “nghiêm khắc hơn Bắc Kinh tính toán”.
Phân tích tình hình địa chính trị tại Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực PCA và ý tưởng được đưa ra vài tháng trước của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian rằng Liên minh châu Âu cần thực hiện việc tuần tra ở vùng biển này… là những chủ đề thời sự được giới phân tích Pháp bàn luận nhiều trước chuyến đi châu Á của Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Trên chương trình trực tiếp “Các nền văn hóa thế giới” (Cultures Monde) của Đài phát thanh quốc gia Pháp ngày 01/09 vừa qua, Trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc, Trung tâm nghiên cứu châu Á, thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Pháp (IFRI) Alice Ekman đã phân tích tình hình tại biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực PCA: “Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực PCA nghiêm khắc hơn Bắc Kinh tính toán, họ tính sẽ có một phán quyết không công nhận đường 9 đoạn nhưng không nghĩ rằng sẽ đi xa đến thế khi bác bỏ tất cả các đòi hỏi của Trung Quốc”.
“Sau khi phán quyết được đưa ra, Trung Quốc đã có phản ứng quyết liệt hơn về mặt truyền thông như việc người phát ngôn đã nhắc lại rằng có những nước nào đã ủng hộ quan điểm của Trung Quốc ở biển Đông; và đưa ra những kế hoạch cứng rắn hơn ở biển Đông như nhắc đến những khả năng Trung Quốc có thể lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông như cách đã làm ở biển Hoa Đông. Điều đáng chú ý là Trung Quốc ý thức được việc thay đổi chính quyền ở Philippines, nên đã có những động thái tìm cách thương lượng song phương với chính quyền mới Philippines.”
Cũng trong chương trình, nhà báo Pháp gốc Việt Võ Trung Dung đã nhắc lại thực tế là Trung Quốc có một lực lượng ba lớp để tạo ra sự đối đầu chêch lệch với các tàu cá thô sơ của ngư dân Việt Nam và Philippines. Cụ thể, gồm lớp thứ nhất hàng trăm tàu cá của ngư dân Trung Quốc vừa tham gia bắt cá vừa bao vây các tàu thô sơ và đi lẻ tẻ của Philippines và Việt Nam; lớp thứ hai là các tàu hải cảnh và thứ ba là các tàu quân sự.
Cần thúc đẩy tuyên truyền về biển Đông cho người dân Pháp và châu Âu
Theo nhà báo Võ Trung Dung, rất cần phải tăng cường tuyên truyền cho dư luận Pháp và châu Âu hiểu thêm về tình hình ở biển Đông, trong đó, đặc biệt làm nổi bật lợi ích của Pháp và châu Âu trong việc bảo đảm an ninh chung tại đó. Cũng chính vì mục đích này, nhà báo Võ Trung Dung vừa mở trang báo điện tử có tên là “Tin tức châu Á- Thái Bình Dương” Asiapacnews, trong đó, tình hình biển Đông là một trong những nội dung trọng tâm.
Nhà báo Võ Trung Dung cho biết: “Tôi ra trang báo này vì thứ nhất, nhìn thấy nhu cầu của dư luận, độc giả, khán giả nói tiếng Pháp rất thiếu thông tin về châu Á Thái Bình Dương và vấn đề biển Đông. Thứ hai, họ thiếu thông tin về vấn đề ngoại giao- chiến lược ở đó. Ngày hôm nay, không một quốc gia nào có thể sống riêng một mình, các nước đếu sống chung, có những ảnh hưởng lẫn nhau với chiến lược của nước này, nước kia”.
“Riêng vấn đề biển Đông, sau phán quyết của Tòa PCA, thì dư luận ở Pháp và châu Âu quan tâm nhiều hơn. Vì phán quyết đó sẽ làm thay đổi cục diện, đưa ra những nền tảng cơ bản pháp lý để giải quyết căng thẳng ở biển Đông, dù cần nhiều thời gian lâu nữa thì vấn đề mới có thể được giải quyết.”
Lần đầu một nước châu Âu nêu ý tưởng EU tuần tra ở biển Đông
Trên Tạp chí Quốc phòng quốc gia (Le Revue Defense Nationale), chuyên gia lịch sử quân sự Pháp Pierre Journoud, Giáo sư môn Lịch sử đương đại thuộc trường Đại học Paul-Valéry Montpellier 3, có bài phân tích “Philippines, Phán quyết của La Haye và thực tế chiến lược mới tại biển Đông”.
Trong bài viết, tác giả Pierre Journoud nhắc lại những điểm chính của phán quyết của Tòa PCA; đồng thời đặt câu hỏi về chính sách của châu Âu và nước Pháp – quốc gia thành viên EU duy nhất trong Hội đồng Bảo An LHQ sau Brexit- trong vấn đề biển Đông trong bối cảnh mới sau phán quyết này. Bài viết cũng đề cập đến đề xuất mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian, theo đó, ông Drian cho rằng Liên minh châu Âu cần thực hiện việc tuần tra ở biển Đông để đảm bảo một sự hiện diện rõ ràng và thường xuyên tại đây.
Chuyên gia lịch sử quân sự Pierre Journoud phân tích: “Tôi nghĩ đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian về việc tuần tra hải quân ở biển Đông là một ý tưởng mới, nhận được sự đồng tình từ một vài cường quốc quân sự ở châu Âu như nước Anh nhưng không phải là sự đồng thuận của toàn bộ các nước thành viên Liên minh châu Âu”.
“Tuy nhiên, một số thành viên EU cho rằng việc tuần tra chung sẽ quân sự hóa hơn nữa một xung đột vốn đã bị quân sự hóa rất nhiều, đặc biệt trên các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ ở Trường Sa hay cả ở Hoàng Sa”.
“Nhiều ý kiến cho rằng nước Pháp và EU cần phát huy sức mạnh chính trong việc đưa ra những giải pháp ngoại giao táo bạo, đột phá và có tính đồng thuận cao. Châu Âu và nước Pháp có nhiều kinh nghiệm từ chính lịch sử tranh chấp ở châu Âu để có thể đưa ra các giải pháp đáng được lắng nghe về việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển. Trong quá khứ, các nước châu Âu có rất nhiều tranh chấp trên biển, từ biển Bắc, biển Đại Tây Dương lẫn Địa Trung Hải và tất cả đều đã được giải quyết trên cơ sở luật biển quốc tế.”
Ngoại trưởng Mỹ: Quân sự không phải là giải pháp cho vấn đề Biển Đông
VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Mỹ ủng hộ những nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy giải quyết các bất đồng trên Biển Đông.
Cũng về ý tưởng mới của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Tướng không quân Pháp Jean Vincent Brisset, chuyên gia cấp cao tại Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp, nhận định ý tưởng này thể hiện sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ của Pháp đối với căng thẳng trên biển Đông. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn trong nước, đặc biệt trước đe dọa về an ninh nặng nề như hiện nay, e rằng Pháp và châu Âu sẽ khó biến ý tưởng này thành hiện thực.
Ông Jean Vincent Brisset nói: “Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp có ý nghĩa biểu tượng lớn về ngoại giao ; nhưng sẽ khó triển khai trên thực tế. Phải hiểu rằng tuần tra biển Đông nghĩa là phải duy trì một sự hiện diện gần như thường xuyên tại đó, mà nước Pháp thì rõ ràng không có đủ phương tiện để làm điều đó. Vì thế, nói là tuần tra biển Đông ở đây nghĩa là đầu tiên, nước Pháp, lúc này hay lúc khác, sẽ cho một con tàu đi qua khu vực biển này, chứ khả năng duy trì liên tục và lâu dài là khá khó khăn”.
Các cuộc tranh luận về chủ đề biển Đông tại Pháp càng sôi nổi trong bối cảnh giới phân tích tại Pháp đưa ra đánh giá tổng thể về hình ảnh, vị thế của nước Pháp trên trường quốc tế, khi tại Paris vừa diễn ra Hội nghị ngoại giao thường niên và bắt đầu các cuộc vận động tranh cử chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới./.
EmoticonEmoticon