Jumat, 02 September 2016

Về Hà Tĩnh xem "Thằng Phò" ( Formosa )

Tags

  •   BÙI VIỆT THẮNG
  • Thứ tư, 17 Tháng 8 2016 16:15
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Về Hà Tĩnh xem "Thằng Phò"
Tại Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ IV do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tam Đảo tháng 6 - 2016, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã đặt câu hỏi “hướng về đâu văn học?” làm cả khán phòng của Hội đồng văn xuôi xao động và kích thích tranh luận. Cũng chính ông, ngay trong những ngày hội nghị, đã trực tiếp đặt vấn đề với nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội NVVN - về việc cần thiết cử các nhà văn đi vào “tuyến lửa” Hà Tĩnh, mảnh đất khởi sự thảm họa môi trường bởi Formosa gây nên. Ngay lập tức Chủ tịch Hội NVVN đồng ý và động viên các nhà văn tham gia chuyến đi thực tế này.
Về Hà Tĩnh thời điểm này có muộn không? Không bao giờ là muộn, và thậm chí muộn vẫn hơn không, như cổ nhân nói. Về Hà Tĩnh lúc này không phải là một cuộc ngao du, thăm quan, mà là về với đời sống của nhân dân cần lao đang trải qua “lửa đỏ và nước lạnh”.
Đoàn nhà văn Việt Nam về Hà Tĩnh thực tế lần này có trưởng lão Hoàng Quốc Hải; Trần Nhương ; Văn Chinh; Bùi Việt Thắng và Kiều Mai Sơn. Đoàn xuất phát từ Hà Nội lúc 8h30p, đến Hà Tĩnh lúc 17 h ngày 18-7-2016.
*
*      *
Những ngày ở Hà Tĩnh tôi thường nghĩ đến ba màu Đỏ, Xám và Xanh. Sẽ có người căn vặn về ba màu này mà tôi trình ra trong bài viết không biết xếp vào thể loại gì của mình. Đỏ thường được gắn với lửa, với sức nóng mặt trời, với máu. Đỏ cũng đồng nghĩa với báo động (“bùn đỏ” chẳng hạn). Cũng là hiếm hoi khi thi sỹ Nguyễn Mỹ xúc cảm tràn trề mà viết bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ khiến nhiều thế hệ nhập tâm. Chỉ với thi sỹ Nguyễn Mỹ thì mới có một “cuộc chia ly màu đỏ” mà thôi. Nhưng khi về Hà Tĩnh, mỗi lần nghĩ đến, hay nhìn thấy màu đỏ là tôi lại có cái ấn tượng, cái cảm giác về độ nóng. Độ nóng của mặt trời thiêu đốt dải đất hẹp nhất cả nước vào mùa hè. Lại thêm gió Lào. Là dân gốc Hà Tĩnh, xa quê hơn 60 năm, nhưng mỗi lần trở về đúng dịp tháng 6, 7 hàng năm thì chính tôi lại cũng có cái cảm giác bị nung chảy ra, đừng nói người xứ Bắc vào đây công tác hay nghỉ ngơi khi biển chưa chết như bây giờ (trẻ con vùng này hát chế “biển ngày xưa chưa chết như bây giờ”). Cái nóng của đất trời dù có khốc liệt thì cũng chỉ vài ba tháng hè mà thôi. Nhưng Hà Tĩnh đang có một cái nóng khác, không đo được bằng nhiệt kế, nhưng sức nung, sức hủy của nó thì khủng khiếp hơn nhiều. Đó là “phát triển nóng”. Dân ở đây gọi chệch Formosa đi là “thằng Phò” và ngay từ cuối tháng 4 họ đã chỉ đích danh nó kẻ gây nên thảm họa cá chết/biển chết ở 4 tỉnh miền Trung. Phát triển nóng là phát triển theo lối “tư bản hoang dã”, chỉ nhăm nhăm đến lợi nhuận mà quên đi đến sự mất còn của môi trường sống và cuối cùng là hủy diệt sự sống, hủy diệt văn hóa và văn minh, văn hiến. Không cần phải tưởng tượng ghê gớm lắm thì cũng đã có thể nghĩ đến cảnh 70 năm tới, nếu ngay từ bây giờ không ra tay cứu biển, không riêng gì Hà Tĩnh, mà cả một dải đất miền Trung, đặc biệt là biển của 4 tỉnh, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, sẽ là biển chết. Và nữa, nếu 1.000 tấn rác thải khô của “thằng Phò” vừa lộ diện không được xử lý theo đúng quy trình thì sẽ tiếp tục tạo ra những vùng đất chết mới. Trên bờ, dưới nước đều chết vì phát triển nóng. Viết đến đây tôi chợt nhớ tới một tác phẩm Kẻ ám sát cánh đồng của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Bây giờ ở miền Trung không chỉ có “ám sát”, là bắn, đâm lén môi trường mà là chúng đã ra tay tàn sát, hủy diệt công khai, lộ liễu, ngang ngược, dã man như bọn khủng bố.
Formosa, và không chỉ Formosa, mà có cả một bọn người cùng nó đã vượt đèn đỏ, đem lại hậu họa cho không chỉ một người khác, mà cả đồng loại triệu người. Vì kém cỏi hay vì lòng tham? Đúng như cổ nhân nói “tham đĩa bỏ mâm”. Nóng trong nhân tâm vì “thằng Phò” còn chĩnh chệ “ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, tọa lạc ở mảnh đất này đến 70 năm. Chao ôi, bảy mươi năm là cả một đời người sống lâu (“nhân sinh thất thập cổ lai hy”). Ở Hà Tĩnh, nóng từ người này sang người khác, nóng từ vùng này sang vùng khác, không chừa ai, không chừa nơi nào.
Sáng 19-7, được sự giúp đỡ của Ủy ban nhân dân Tỉnh Hà Tĩnh, đoàn có điều kiện thâm nhập sâu vào “hang ổ” của Formosa. Vì nhiều lý do, đoàn cũng chỉ được phép ngồi trên xe “cưỡi ngựa xem hoa’ một góc “thằng phò”, không quay phim chụp ảnh, đi theo sự hướng dẫn của một nhân viên đối ngoại củaFormosa. Đồng hồ chỉ tất cả 16km ghi nhận hành trình của đoàn nhà văn đi và nhìn cái công trình đại công nghiệp “khủng”. Formosa chiếm giữ hơn 3.300ha cả trên cạn (hơn 2.025ha) và cả trên mặt biển - cảng Sơn Dương (hơn 1.293ha), là một không gian màu xám xịt với những kho bãi khổng lồ, những ống khói cao chất ngất của khu luyện, cán thép; những băng chuyền dằng dặc như vòi bạch tuộc, hàng chục km đường rải nhựa hắt lên tuyền một màu đen nóng sực, nhức mắt. Tôi cứ hình dung cái khối màu đen - xám khổng lồ này như bóng một con “khủng long sắt thép” thời hiện đại, ngoác cái miệng đầy nanh, ăn tươi nuốt sống không từ thứ gì. Và miệng nó nhuốm đầy máu.
 Đoàn chúng tôi đã đi thăm một khu tái định cư ở Kỳ Anh, đến một làng chài cheo leo ở Vũng Áng, đến Bến Cá ở Thiên Cầm, vào một xóm ngư dân ở Cẩm Nhượng để tìm hiểu đời sống thực của nhân dân sau thảm họa Formosa. Một phụ nữ, chủ nhân một ngôi nhà sát biển ở xã Cẩm Nhượng kinh doanh hải sản, cho biết, mọi năm doanh thu của gia đình thường dao động từ 5 đến 7 tỷ đồng. Vậy mà năm nay cho đến cuối tháng 7 cũng mới chỉ được khoảng 200 triệu. Chị bức xúc như là đay nghiến, “Tất cả chỉ tại thằng Phò”. Nghe tiếng thở dài của chị, tôi chợt nhớ đến con số 96 tỷ VNĐ thu được từ 3.300ha Đất – Nước mà quan chức Hà Tĩnh cho “thằng Phò” thuê suốt 70 năm!
Nhưng phải nói đến màu Xanh. Tham gia giao thông, nếu nhìn thấy đèn Xanh là tín hiệu an toàn. Đi được. Không nguy hiểm. Biển Thiên Cầm dạo nọ tôi đến cách đây mấy năm xanh ngăn ngắt. Người Pháp coi đây là bãi biển đẹp nhất Trung Bộ. Phát triển Xanh là phát triển bền vững, là phát triển tính đến không gian sống toàn diện của con người như là trung tâm vũ trụ. Màu Xanh là màu của Hòa Bình, Sự Sống. Biển Thiên Cầm vẫn xanh như bao đời, nhưng hầu như không có ai xuống tắm. Chiều 19-7, khi đoàn nhà văn quyết định ở lại đây, để “trăm lần nghe không bằng một lần thấy”, chỉ lác đác vài người chưa đủ đếm trên đầu ngón tay, dám tắm. Khi chúng tôi hỏi, mọi người ở đây đều bảo, từ đầu mùa đến nay đều như vậy cả. Không gì bằng trực quan sinh động. Nhà văn sẽ viết thế nào nếu không trải nghiệm. Nhà văn có là người bạn đường của nhân dân nếu chỉ ru rú chốn thư phòng rồi tha hồ bịa đặt và hư cấu vô lối và tùy tiện?! Bài học thu hoạch được từ Hà Tĩnh lần này, với chúng tôi là vô giá. Có người ở Hà Nội, vào facebook mà tỏ ý ghen tỵ với đoàn chúng tôi. Tôi trả lời “Thế vì sao anh/chị không đi vào đây như chúng tôi?!”. Câu hát “Trời mô xanh bằng trời Can Lộc/Nước mô xanh bằng dòng nước sông La” cứ văng vẳng bên tôi, cứ váng vất bao nhiêu tâm sự rất khó diễn tả. Có một nhà văn trẻ từ Hà Nội nhắn tin cho tôi, hỏi cảm xúc như thế nào khi ở Hà Tĩnh, khi vào trong lòng “thằng Phò”? Tôi trả lời: “Vào đây bỗng thấy những trang viết của chúng ta vừa qua là còn rất hời hợt, rất nông nổi, rất nông cạn và rất ốm yếu trước nỗi đau của nhân dân cần lao và vĩ đại, trước cuộc đời vốn chất đầy “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Nói thế có quá cảm thán?!
*
*    *
Trở về Hà Nội vào hồi 17h ngày 21-7. Người thân, bạn bè hỏi han rất nhiều nhưng dường như chưa trả lời kịp. Chỉ biết hứa, sẽ viết để giãi bày. Viết để chia sẻ. Viết để thu hoạch được một cái gì đó, dù rất nhỏ nhoi. Chỉ biết là buồn nhiều, nhiều lắm, mặc dù cũng có những niềm vui gặp gỡ với bạn bè văn chương ở quê... Tôi chợt nhận ra mình và công việc của mình vô cùng bé nhỏ, thậm chí vô nghĩa trước đời sống rộng lớn, dữ dội, phức tạp.
Mấy hôm nay theo dõi thời sự VTV1 thấy Bộ TN&MT vào làm việc ở Hà Tĩnh, với formosa. Bây giờ chuyện đã vỡ ra tung tóe rồi mới thấy Bộ này kiên trì bám địa bàn và vào cuộc “quyết liệt”!? Giá như sớm hơn nhỉ, thì nhân dân được nhờ! Lại nghe Bộ này tuyên bố sẽ giám sát Formosa trong vòng 3 năm liền tới?! Sao lại chỉ có 3 năm? “Thằng Phò” này nó còn “ăn dầm nằm dề” 70 năm cơ mà. Thế thì đến mấy đời Bộ trưởng nhỉ? Chắc nhiều nhiều, không tính xuể. Mọi chuyện về “thằng Phò” nay đã bạch hóa kể từ buổi chiều lịch sử 30-6-2016, sau 84 ngày chờ đợi trong hỏa mù, trong sự đua nhau chém gió của các quan chức quan liêu liên quan, khi Chính phủ họp báo tuyên bố nguyên nhân cá chết ở bốn tỉnh miền Trung. Cũng chẳng thể thở phào được, cũng không thể “xả xu-páp” như dân sửa xe máy nói chơi được. Nhân Dân cần biển sạch. Câu nói từ tâm can của bất kỳ người dân nào mà chúng tôi đã được nghe khi ở Hà Tĩnh, dù chỉ hai ngày.
( Văn hóa Nghệ An )
                                                                                                                                                       

Artikel Terkait


EmoticonEmoticon