Trong dòng Ngân Hà lấp lánh muôn ngôi sao khổng lồ của văn minh nhân loại, nhiều ngôi sao Việt xuất hiện, mỗi người một bản sắc riêng nhưng họ đã mang lại cho nền văn hóa phương Đông những áng thơ văn bất hủ. Bên cạnh những áng văn gắn liền với những biến cố thăng trầm của lịch sử, thì đây là lúc âm giai của thân phận con người, kiếp nhân sinh gắn bó với những tư tưởng khai phóng cho văn hóa nhân loại được cất tiếng. Có Nho, có Phật, có Lão và có cả những quy luật vũ trụ mà Thần Phật đã đặc định cho con người như là Đạo Đức dân gian. Đó là tiếng khóc, là nụ cười chen nhau. Đó là những đam mê làm cho con người khổ lại chồng chất thêm khổ não. Đó là những bất chợt được giác ngộ được phá Mê để minh triết những vấn đề cốt lõi mà Thần Phật đã khuyên dạy con người giải Mê, thoát khổ, đến với cảnh giới khác.
Cuộc đời với bao nhiêu nghịch cảnh trái ngang. Biển khổ không chỉ nằm ở cuộc bể dâu của “bao phen thay đổi sơn hà” mà bể luân hồi vỗ sóng trong mỗi con người, mỗi thân phận. Cánh mày râu viết về phái nữ để nói cuộc nhân sinh và gửi gắm tâm sự của chính mình thật là nhiều. Nguyễn Du lạc vào” cõi người ta “trong thân phận bầm giập Thúy Kiều; Đặng Trần Côn chiêm nghiệm thân phận ở cái thời cuộc “Thiên Địa phong trần” đọa đầy Chinh phụ khiến “hồng nhan đa truân”… Nhưng để có một tiếng nói từ một người đàn bà, chiết luyện trong nỗi đau tâm não của người phụ nữ thì chỉ có Hồ Xuân Hương là cho ta thấy rõ nhất. Tâm trạng day dứt không yên, nhãn quan nhìn cuộc sống, lời yêu thương nồng nàn hay bi ai tuyệt vọng … hầu như có đủ trong những bài thơ ít ỏi nhưng cực kỳ cô đúc, cực kỳ tự nhiên của bà. Thơ Đường luật với bao nhiêu quy phạm nhưng Hồ Xuân Hương đã làm cho người ta không hề có một cảm giác quy phạm nào. Tôi cho rằng, đó là Thiên Tài tầm cỡ…
Hồ Xuân Hương là nữ sĩ tài ba ở nước ta vào cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX. Bà là người xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ngoài tập “Lưu Hương kí” bà còn để lại khoảng 50 bài thơ Nôm, phần lớn là thơ đa nghĩa, vừa có nghĩa thanh vừa có nghĩa tục. Một số bài thơ trữ tình đằm thắm, thiết tha, buồn tủi… thể hiện sâu sắc thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ, với bao khao khát sống và hạnh phúc tình duyên. Thơ của họ Hồ không phải là lục bát, không gần với ca dao hò vè, không có khả năng cho các nghệ sĩ đàn bầu, đàn cò ngồi ở ngã ba đường, ở những lều nát góc chợ ò e như “Phụ tử tình thâm, Công thầy nghĩa mẹ.. “. Thơ của bà phần lớn là THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐƯỜNG LUẬT, một thể thơ bác học, thường rất trang trọng giành cho giới chủ lưu, thượng lưu trong xã hội. Ấy vậy mà, kỳ lạ thay, thể thơ bác học ấy lại được Dân gian tiếp nhận và lưu truyền trong quảng đại nhân gian. Đây là điều có lẽ Đỗ Phủ, Lý Bạch khó có thể làm. Người Trung Quốc coi Bạch Cư Dị là nhân vật thứ Ba sau hai đỉnh núi không ai với tới. Nhưng ngay cả ngọn Thái Sơn Đỗ Phủ, ngọn núi Kính Đình Lý Bạch cũng phải mơ ước với đỉnh Côn Luân mây bay ngũ sắc đầy lời ca tiếng hát dân gian. Đó là thi ca họ Bạch. Nhà thơ này thường chinh phục mọi người bằng thơ Ngũ Ngôn. Và Đỗ Phủ muốn vào nhân dân cũng phải qua con đường này.
Đọc Hồ Xuân Hương, tản mạn về cái mê cái tỉnh của người xưa, tôi muốn các bạn đọc bài thơ nổi tiếng của bà có tiêu đề “Tự Tình”:
Đêm khuya, văng vẳng trống canh dồnTrơ cái hồng nhan với nước non.Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn,Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,Mảnh tình san sẻ tí con con!
Bối cảnh là ban đêm, sự kiện là tiếng trống cầm canh. Ngày xưa, khi chưa có đồng hồ Tây đánh chuông treo trong nhà Nghị Quế thì cha ông chúng ta thường phân thời gian MỀM hơn. Đêm có năm canh, ngày có sáu khắc. Một thời thần ngày xưa là gần với 2 giờ đồng hồ hôm nay. Vị chi là một ngày chỉ có 12 thời thần ứng với 12 con giáp. Ông ngoại tôi trước đây, đúng ngày Khuất Nguyên nhảy tắm sông Mịch La là cho bọn trẻ đúng giờ Ngọ nhảy xuống sông La tắm gội rồi mới về ăn bánh trái cúng một người ái quốc và chính trực. Người ta không có đồng hồ, nhìn mặt trời mà ước lượng. Ai đó chê bai ngày xưa là lạc hậu, là không có phương tiện khoa học… Tôi ưa những giá trị xưa!
Không phải tất cả đều là Thần an bài cả sao? Mặt Trời rụng nở cũng rất chính xác, cũng là an bài .Vũ trụ thăm thẳm kia chuyển động một cách TOÀN CƠ và bí ẩn đến mức Newton phải thốt lên đầy cảm khái tấm lòng kính ngưỡng Thượng Đế cũng là sự an bài. Ngày xưa, cả Đông lẫn Tây đều có những cách thức để báo thời gian. Chỉ có Khoa học khi thâm nhập vào đời sống con người thì thời gian mới chi li để một phần tỷ giây. Nó tương thích với những tiện nghi với tốc độ các thiết bị và tốc độ sống. Hóa ra, cái hệ thời gian chi ly nó kết duyên với Khoa học. Và con người không tương thích với nó nghĩa là mâu thuẫn với khoa học. Vâng, cứ bình tĩnh, bình tâm suy nghĩ đi. Khoa Học mà chúng ta đang mê tín nó như một Tôn Giáo liệu có phải là cho con người sống được hạnh phúc trong sự dung hòa của Thiên, Địa, Nhân?
Tôi đã từng viết, từng dạy trò mình nhiều lần. Bài nào cũng mục to, mục nhỏ. Bài nào cũng phải là logic. Khoa học thâm nhập vào cái gọi là Khoa Học Xã hội để băm vằm một bài thơ bài văn. Kể từ khi tôi thấy cần tôn trọng hơn những giá trị truyền thống, tôi thấy cha ông xưa đã đi theo một thứ khoa học khác. Họ cũng sáng tạo nghệ thuật tuyệt đỉnh, cũng thù tạc và thưởng thức nghệ thuật vô cùng tinh tế. Thử đọc VĂN TÂM ĐIÊU LONG của Lưu Hiệp xem, ông rất quan tâm tới những yếu tố tín ngưỡng trong hành vi sáng tạo cũng như thưởng thức nghệ thuật. Chúng ta hiện nay quá sùng bái khoa học phương Tây, cách tiếp cận văn chương theo Tây. Bây giờ mà nói với mọi người những từ ngữ vô cùng phong phú trong thẩm định nghệ thuật như: ” tứ, thần, tâm, tính, khí, lực, phong thái, cốt cách… “Nhiều người thấy xa lạ, thậm chí cười mỉa mai to thành tiếng. Đáng tiếc là những gì tinh túy, là chân lý của vũ trụ chúng ta lại dùng khoa học thực chứng, là cái Mê nhất của con người, để loại bỏ nó.
Vì thế, bàn về câu thơ “Đêm khuya, văng vẳng trống canh đồn”, tôi đã đi sai quy trình khoa học. Tôi cố ý như vậy mong có một ai đó đồng tình. Thời nay, khoa học thực chứng là hơi thở, là cơm nước hàng ngày không ai dám bỏ nó. Nhưng hy vọng con người hãy nhìn nó ở chiều khác để tránh Mê, để làm người tỉnh táo. Và hưởng thụ những giá trị thực sự khi đặt mình vào sinh mệnh TỰ NHIÊN NHƯ NHIÊN của vũ trụ.
Ngày xưa, ban ngày Sáu khắc, ở nhà mình, đã có cái HỒ nhỏ và cái bình làm bằng ĐỒNG đựng cát, hoặc nước cho nó chảy ra HỒ. Ta có Đồng Hồ. Nhưng ban đêm có chòi canh, có những người lính lệ thức đêm để đánh trống báo hiệu thời gian của đêm. Về cách đo đếm thời gian của người xưa, chúng ta cũng được nghe nhắc đến các khái niệm “Khắc lậu”, “Giọt rồng”, “Giọt đồng”, “Thủy lậu” và “Sa lậu”. Một số khái niệm được nhắc đến trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Ðêm thu khắc lậu canh tànGió cây trút lá trăng tàn ngậm gương(câu 1121 và 1122)Giọt rồng canh đã điểm baTiểu thư nhìn mặt dường đà cam tâm(câu 1865 và 1866)
Để đo lường thời gian, người xưa chỉ dùng một ít dụng cụ thô sơ. Dụng cụ đó là “đồng hồ thái dương” (mặt trời) được coi như xuất hiện trước nhất do tinh thần sáng tạo mộc mạc của con người lúc bấy giờ. Vật này gồm có một cái trụ đứng thẳng giữa một cái khung bán nguyệt bằng phẳng gọi là nhựt quỹ, có chia từng gạch. Mỗi gạch là một giờ. Mặt trời chiếu xuống trụ và bóng trụ ấy rọi xuống nhựt quỹ, rồi người ta căn cứ vào đó mà định giờ. Cố nhiên, cái “đồng hồ thái dương” này chỉ có thể dùng ban ngày và khi trời tốt, có bóng mặt trời. Tuy nhiên, vì nhu cầu đời sống bắt buộc, con người vốn luôn luôn có óc sáng tạo nên phải tìm một vật khác- có tiến bộ hơn- để tiện lợi trong việc đo thời gian, phân định giờ lẫn ngày và đêm. Ðó là cái “khắc lậu” hay cũng gọi là “thuỷ lậu”. “Thuỷ lậu” là nước rỏ xuống từng giọt. “Khắc lậu” là giọt nước rỏ thành khắc. Ðồng hồ là một cái hồ bằng đồng, trong đựng nước. Dưới có lỗ nhỏ để nước rỏ từng giọt ra ngoài. Mỗi khắc đồng hồ qua thì nước trong hồ vơi đi một ít. Muốn cho có vẻ mỹ thuật, người ta chạm hình đồng hồ này thành một con rồng, hoặc chạm chỗ vòi rỏ nước xuống. Do đó mới gọi là “giọt rồng” hay “giọt đồng” vì cái hồ bằng đồng. Cũng dựa trên cách làm này, người ta sáng chế thêm là làm một quả tròn và bộng bằng đồng có xoi một lỗ nhỏ. Quả này được thả nổi trong một chậu nước. Nước chui vào quả tròn bộng này, và khi quả tròn đầy nước tất chìm xuống chậu. Khi nhìn thấy hoặc nghe tiếng kêu thì người ta vội vớt trút nước ra, rồi đặt lại trên mặt nước như cũ. Cứ mỗi lần như vậy là một giờ hay một thì. Ðồng hồ nước này (khắc lậu hay thuỷ lậu) cũng có nhiều bất tiện. Vì ở miền hàn đới, trời quá lạnh, nước đọng thành giá tất đồng hồ nước này mất hiệu lực. Do đó, người ta phải nghĩ tìm cách khác là không dùng nước mà dùng cát. Ðồng hồ này gọi là “sa lậu”. “Sa lậu” hình giống như hai con vụ giao đầu nhọn lại nhau. Cát chảy từ phần trên xuống phần dưới thông qua một cái lỗ nhỏ. Mỗi khi hết thì có cách lật ngược trở lên. Tuy vậy cũng có điều bất tiện là không có tiếng kêu, phải có người tốn công trông chừng.
Tiếng trống mà Xuân Hương nghe rất có thể là cầm canh Bốn canh Năm. Bởi nhà thơ biết “Đêm khuya”. Có thể mô phỏng câu thơ Xuân Diệu: “Hoa bưởi thơm rồi, đêm đã khuya” để viết lại: “Tiếng trống canh văng vẳng dồn dập tới báo hiệu đêm đã khuya”. Hóa ra không cần có tiếng trống thì Nữ nhân vật trữ tình này đã biết đêm khuya. Thức lâu ngần ấy. Ý thức sự hiện diện của mình trong bóng đêm lâu ngần ấy thì tiếng trống cầm canh vang lên chỉ là xác nhận cho Xuân Hương biết rằng “đêm đã khuya”. Trống cầm canh thì luôn đơn điệu và vô hồn. Nó từ xa vọng lại khi rõ khi không nên “văng vẳng”. Đáng nói là cái động từ “”dồn” gấp gáp, xô đẩy, dồn nén rất bất ngờ, bất thường ở một thứ âm thanh vốn dĩ nó không như vậy.
Cái mà những người làm nghiên cứu văn học hay nói ấy là Khách thể trở thành Chủ thể. Đây là hoạt động Tâm lý ” khách thể hóa” đối tượng để chia cái tôi ra hai, ba bản ngã khác nhau. Điều này xảy ra khi tâm lý, tình cảm của con người bị xáo động ghê gớm.
Khoa Học Thần Kinh, đặc biệt là các nhà phân tâm học theo trường phái Freud hay Jung đã khoa học hóa nó. Các nhà Xuân Hương học Việt Nam cũng lõm bõm một thứ đầu voi đuôi chuột để giải thích thơ ca của bà có tính Dâm là do hành vi, kinh nghiệm và nhận thức của con người phần lớn được định hình bởi các xung năng bẩm sinh và phi lý. Những xung năng này mang bản chất vô thức. Họ cho rằng cái dục tính tình dục là cái tiềm năng dữ dội của con người. Cần giải phóng thì mới là người thường. Đây là tiền đề cho cái gọi là Giải phóng tình dục ở phương Tây và những hành vi này âm thầm nhưng phát dục một cách đồi trụy ở phương Đông .
Phật Thích Ca từng giảng thế giới càng nhiều dục vọng càng nhiều Mê. Cái điều mà ta tưởng như rất khoa học về khách thể và chủ thể được Đức Thích Ca gọi là Tùy Tâm Nhi Hóa. Nó có quan hệ hết sức phức tạp của cái thế giới còn phức tạp hơn vũ trụ này của chúng ta là SINH MỆNH CON NGƯỜI. Nếu cứ cắm đầu mà tin cái ông Charles Robert Darwin rằng con người bắt đầu từ loài vượn thì mãi mãi con người vẫn là bí mật của chính cõi Mê con người. Chỉ nội trong hệ Ngân hà vốn chỉ là hạt bụi bé tý tẹo của Tầng vũ trụ Thứ Nhất trong vô số vũ trụ mênh mang hơn, con người thừa nhận chỉ mới biết được chừng 4%. Còn lại là vật chất Tối, năng lượng Tối. Trong 4% con người nói biết chỉ là bề mặt. Cấu trúc của Nguyên tử chúng ta mới biết cách đây chưa tới 200 năm. Khám phá thêm nữa lại có hạt này, hạt kia. Giờ đây, đang dừng lại ở các hạt như các quark, lepton (electron, positron, neutrino. ..). Với một vị Phật, thì hành trình mà loài người đi đến khám phá thế giới vi mô, vĩ mô là BẤT KHẢ TƯ NGHÌ. Thành thử, ai đã bước vào Tu luyện, họ sẽ có những cánh cửa khác để nhìn thế giới. Con người ngày xưa, cho dù không thực sự là Phật Tử, là tu Đạo gia nhưng họ sống với cái trường năng lượng Đạo đức ấy, họ có những trí huệ tiên thiên của Thần Thánh ban cho nên những trạng thái tâm hồn của họ rất khác với con người mà chúng ta vẫn tự hào cho là hiện đại hôm nay.
“Trống canh dồn” báo hiệu đêm sắp tàn, đêm đã khuya lắm rồi. Ngày mới, ban mai sắp rạng rỡ phải chăng đang phát ra những tín hiệu tích cực? Câu thơ hình như không muốn cho ta cái thông báo ấy. Nó cho thấy cái bối rối, thậm chí cái hoảng hốt của một người phát hiện thời gian trôi đi, kiếp người đang trôi đi mỏi mòn không có cơ hội trở lại. Cảm thức thời gian cũng là cảm thức về thân phận mình đang mất dần tinh lực sống, tinh lực tuổi trẻ. Quả thế, nhà thơ thấy mình cô đơn:
Trơ cái hồng nhan với nước non
“Hồng nhan bạc mệnh” là một thành ngữ và là chủ đề cho hầu hết những tác phẩm như Kiều, Cung Oán ngâm, Chinh Phụ ngâm … Xác định mình đã là hồng nhan, ắt là bạc mệnh nên “vật hóa” mình bằng từ “CÁI” thật cay đắng. Cái hồng nhan ấy dường như nó ngoại thân, nó không phải là mình. Nữ sỹ nhìn nó mà chẳng có chút cảm tình. Cái hồng nhan ấy nó trơ trơ. Nó trơ tráo, trơ trẽn. Nhưng ở phương diện khác lại là khẳng định, thách thức. Cái hồng nhan này trơ như đá, vững như đồng không dễ người khác làm biến dịch, biến di tâm tính của Nó. NƯỚC NON trong câu thơ dễ thấy trong cái thành ngữ THỆ HẢI MINH SƠN, thề non nước của người xưa. Cái hồng nhan ấy vẫn không nguôi lời thề với một người đã kết giao nguyện ước!
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn,
Người phụ nữ thức trong đêm là khách phong lưu. Có thể tưởng tượng cô đang ngồi độc ẩm ngắm trăng như Lý Bạch ngày xưa :
Cử bôi yêu minh nguyệt,Đối ảnh thành tam nhân.(Cất chén mời trăng sáng,Mình với bóng là ba)
Xưa nay, những bậc thượng lưu, chính nhân quân tử dùng rượu để luận anh hùng, độc ẩm để giải sầu muộn. Một người phụ nữ đa tình, đa tài, đa cảm hẳn nhiên khi uống rượu là có điều sầu khổ riêng tư rất khó nói phải dồn nén trong tâm. Thường đó là trạng thái tương tư, nhớ nhung dằn vặt. Đây là bi kịch, là khát vọng thường vượt xa cái thực tại mà mình đang đối diện. Đây là tâm sự, tâm trạng của những Hăm lét, của những Từ Hải muốn tháo cũi sổ lồng khi nhìn thấy cái phi lý của cả một hệ thống quan niệm cản trở khát vọng nhân văn. Xuân Hương muốn bứt phá cái quy luật hồng nhan bạc mệnh. Bà thấy phi lý sự phân chia giới tính lại tạo nên những khổ đau oan trái giành cho nữ giới. Trăn trở này là khát vọng nhân văn. Nó không tầm thường như ai đó cố dung tục khát vọng bản năng con vật trong bài thơ thuần khiết, đạo đức này! Chữ HƯƠNG ở đây là hương thơm của hơi rượu. Nhưng nó đồng âm với tên của nữ sỹ. Vậy có thể có cách hiểu: Chén rượu Hương đưa cho Hương khiến say rồi tỉnh lại. Ai đó đã nói: “Khi ta say đến trở thành rất tỉnh” quả là một quy luật kỳ lạ nhưng có thật trong thế giới con người. Vật cực tất phản cũng là quy luật của Vũ trụ!
Đạo gia dùng rượu đế đánh mê Chủ nguyên thần. Họ cho rằng, con người Mê rất khó độ nên đành cứu Phó nguyên thần vậy. Ở trong Mê của Danh, Lợi,Tình mà phát hiện những giá trị ấy giả tạm thì ở mức độ nào đó con người ấy đã giải Mê, giải độc của Thế gian. Bởi vì, nó thường đem đến phiền muộn và các phản ứng tiêu cực.
Nhìn bề ngoài ta thấy có hai Xuân Hương đang thù tạc tri âm cùng nhau. Cái số hai ấy làm cho cái số một, cái lẻ loi còn tăng gấp bội. Nhưng, theo tôi, trong nội hàm của nó. Đây chính là phần Tỉnh đang đánh thức phần Mê của mình để cả Hai cùng tỉnh. Đây là ý nghĩa và cũng là hành động tích cực, chủ động mà Xuân Hương nói với chúng ta. Thật thấm thía, thật sâu sắc. Vâng, những quan ải trong cuộc đời mình hãy cố gắng dùng trí huệ của mình mà vượt. Truy cầu bên ngoài là mình đang đầu hàng chính mình!
Câu thơ sau nói về Trăng. Chỉ đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du ta thấy Trăng với người xưa là biểu tượng của hạnh phúc.
Vầng trăng vằng vặc giữa trờiĐinh ninh hai miệng, một lời song song
Khi mà cái hạnh phúc bị xâu xé bởi Thúc Sinh, Hoạn Thư, Thúy Kiều thì Nguyễn Du viết:
Một VÀNH trăng khuyết, ba sao giữa trời.
Hồ Xuân Hương nhìn Trăng khi đêm khuya , ở một góc trời xa xôi: “Vầng trăng bóng xế”. Và không thản nhiên chút nào. Bà nhận xét rằng, vầng trăng ấy “khuyết chưa tròn”. Đến đây thì ta đã hiểu tại sao nhà thơ lại gọi Trăng là VẦNG một cách trang trọng như thế. Đây là Trăng Thượng Huyền hình con thuyền đang lướt sóng. Câu thơ hàm chứa những năng lượng tích cực. Hoàn cảnh thực tế bi đát. Nhưng cái Tâm Chí của nhà thơ không thừa nhận hoàn cảnh ấy.
Hai câu Luận có đặc điểm rất rõ của hai câu thực. Xuân Hương dùng cái Thực để bình luận, ẩn dấu cái Tâm Chí mạnh mẽ vượt hoàn cảnh của mình. Ta có thể hình dung người phụ nữ ấy đã ngồi bên án độc ẩm với mình cho tới đêm khuya. Buồn nhưng không bi quan, đầu hàng số mệnh. Nhìn Trăng để có thêm hy vọng. Rồi cô đã đứng lên, đã ra ngoài đài trang gương lược trong nhà để đến bên hòn Non Bộ. Cô nhìn thấy trong các đám rêu thảm rêu nhưng thân rêu bèo bọt nhỏ xíu như tóc đang bừng bừng sự sống. Thật hiếm ai mà tả rêu, một biểu tượng của thân phận dưới đáy lại kỳ lạ như nhà thơ nữ họ Hồ. Nghệ thuật đảo ngữ đã phát huy hiệu quả thật tích cực. Rêu tự thân, chủ động khẳng định mình. Câu thơ đáng lẽ viết:
Từng đám rêu xiên ngang mặt đất
Nhưng thật sống động khi Hồ Xuân Hương viết đảo lại :
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Câu tiếp theo cũng vậy. Đáng lẽ là :
Mấy hòn đá đâm toạc chân mây.
Thì Xuân Hương lại viết :
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.
Hóa ra “Trơ cái hồng nhan” như đá kia không phải là trơ lạnh, trơ tráo ngẩn ngơ. Mà là định vị kiên trinh một tính cách. Chủ ý thức rất mạnh mới có bản lĩnh ấy. Cảnh được miêu tả hình như ở hòn non bộ nhưng nếu đọc qua, rất nhiều người cảm giác đó là không gian Nước Non khoáng đạt rộng rãi ngoài kia. Cái đáng nói là rêu đang cố tạo chiều ngang, tạo trục Hoành; đá đang vút lên theo chiều dọc, tạo trục Tung. Cả hai dường như đang bứt phá và phối hợp với nhau cái tư thế, tâm thế Tung Hoành ngang dọc của Đấng trượng phu, nam nhi chi Chí. Thật ngoạn mục. Người phụ nữ ấy đã đứng ngoài định kiến xã hội, đã phủ định cái gọi là HỒNG NHAN BẠC MỆNH của thân phận cây rêu, cái kiến kêu gì được oan.
Hai câu kết không tránh nỗi ngậm ngùi. Cái lạ là nữ sỹ không so sánh với một người phụ nữ nào đó hạnh phúc để thấy mình bất hạnh mà là đặt mình vào một đối tượng to lớn, vô hình nhưng cũng rất thực thể. Đó là Cao Xanh, con Tạo, là mùa Xuân vĩnh cửu mà họ sáng tạo. Nữ sỹ dường như đứng ngoài mà mỉa mai, mà thầm chất vấn:
Ngán nỗi Xuân đi Xuân lại lại
Tại sao quy luật tạo hóa là vĩnh viễn, nhưng không cho cuộc đời, cho hạnh phúc con người là bất tử? Con người là sống với Tình. Không có chữ Tình tầng thứ của nhân loại không tồn tại. Nhưng cũng chính vì thế mà con người Mê. Trước những điều khó hiểu của Luật Nhân quả, con người thường khó hiểu và không dám thừa nhận nó. Vậy mới khổ. Nguyễn Du than:
Nỗi hờn kim cổ Trời khôn hỏi
Và càng hiện đại, con người càng tuyệt vọng, càng rối rít đề xuất ra lối sống Vội Vàng . Dù có giải thích đó là sống có ý nghĩa, sống đích thực ra sao, trong cái nhìn minh triết cổ xưa từ Phật, Lão đó là Mê:
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.
(Xuân Diệu)
Cũng từng chứng kiến quy luật Tạo hóa ấy nhưng Mãn Giác Thiền sư là người tu luyện. Ông biết cái thở dài của Nguyễn Du, Xuân Hương, Xuân Diệu … lẽ ra không đáng có. Khi người ta chứng ngộ, có những thế giới khác mỹ diệu hơn đang chờ đón chúng ta. Xin được đọc bài thơ của ông qua bản dịch của Ngô Tất Tố:.
Xuân ruổi trăm hoa rụngXuân tới, trăm hoa cườiTrước mắt việc đi mãiTrên đầu già đến rồiĐừng bảo xuân tàn hoa rụng hếtĐêm qua, sân trước một nhành mai.
Một nhành mai Xuân xin dâng tặng nữ thi sỹ họ Hồ. Bài thơ của bà cũng đang nở sắc xuân trong lòng người hôm nay. Nỗi buồn của Xuân Hương thánh thiện, lạc quan làm sao. Đó là nỗi buồn tịnh hóa tâm hồn, là nỗi buồn vượt lên nghịch cảnh, là sự tỉnh của cơn mê trong cõi hồng trần. Chỉ có thể có tâm thế này, con người mới bảo tồn được Đạo Đức. Và đây chính là nhân tố khiến loài người gìn giữ văn minh của mình, là bệ phóng để đi tiếp con đường thần thánh không oán trời, không trách đời mà biết gánh chịu những thập tự giá cùng các Đại Giác Giả độ nhân.
La Vinh
Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.
Xem thêm:
EmoticonEmoticon