Senin, 17 Oktober 2016

Sức mạnh mềm của văn hóa

Tags

Tác giả: Bùi Văn Phú, Blogger | Dịch giả: Hannah

Trống đồng Việt Nam 2.000 năm tuổi trong Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á ở San Francisco
Trống đồng Việt Nam 2.000 năm tuổi trong Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á ở San Francisco (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Sức mạnh mềm là những thương hiệu từ một quốc gia. Đó là những sản phẩm vật chất như hàng tiêu dùng, thực phẩm hay những nét văn hoá qua trang phục, âm nhạc, nghệ thuật, trò chơi. Sản phẩm tốt và luôn được cải tiến được người tiêu dùng tin tưởng sẽ có người tiêu thụ lâu dài làm nên sức mạnh của quốc gia sản xuất ra nó.
Từ nửa thế kỷ qua người tiêu dùng biết đến xe ô tô Toyota, Honda hay tivi, tủ lạnh với thương hiệu Sony, Toshiba, Yamaha của Nhật Bản là những sản phẩm được ưa chuộng.
Ngày mới qua Mỹ, gia đình người thân của tôi mua một tivi hiệu Sony để xem tin tức, giải trí và cũng là để học tiếng Anh trong những ngày mới định cư ở miền đất mới. Không biết lúc đó có tivi nào hiệu của Mỹ tốt hơn không, nhưng từ những ngày còn ở Việt Nam đã nghe đến hiệu Sony có tiếng bền tốt, từ tivi, radio, cát-sét đến giàn máy chạy băng cuộn.
Khi ông anh họ đi mua tivi, người bán hàng nói có bảo hành 5 năm, giữ biên nhận mua hàng và nếu máy hư trước thời hạn sẽ được đổi cho một tivi mới. Chúng tôi sử dụng nó chưa hết hạn bảo hành thì màn kính không còn lên hình, đem lại tiệm cũ đổi lấy một tivi mới cùng số hiệu như chiếc đã hư mà không phải trả thêm đồng nào. “Made in Japan” đã làm cho thế giới nể phục người Nhật.
Bạn đọc còn nhớ chiếc ô tô mang hiệu Yugo không? Cách đây hơn 30 năm, loại xe này được sản xuất từ Yugoslavia, là nước cộng sản Nam Tư, của Thống chế Tito và sản phẩm này được những nhà làm chính sách của Nam Tư coi đó là một tiến bộ vượt bậc trong chính sách kinh tế nên đem xuất cảng qua Hoa Kỳ. Tito thời đó tuy là lãnh đạo một nước cộng sản nhưng không theo Nga như các nước Đông Âu, mà cũng không ngả theo Trung Quốc.
Yugo vào được thị trường Mỹ, bán với giá khá rẻ, thời đó chỉ 4.000 đôla một xe. Nhưng phẩm chất của xe lại quá tệ, bị những nhà thẩm định chất lượng ô tô cho điểm thấp.
Cùng thời gian với Yugo, Hoa Kỳ cho nhập cảng xe Hyundai từ Nam Triều Tiên. Thương hiệu này cũng được lãnh đạo Nam Triều Tiên coi là thành công trong phát triển kinh tế của đất nước, có thể cạnh tranh với Toyota, Honda đã vào Mỹ từ những thập niên trước.
Vì máy và vỏ xe Yugo có quá nhiều khuyết điểm nên xe này biến mất trên thị trường Hoa Kỳ chỉ sau vài năm. Còn Hyundai như bạn đọc đã thấy, ngày nay xe này là một thương hiệu ăn khách, cạnh tranh được với Toyota, Honda và các loại xe nhập cảng khác trên thị trường Mỹ cũng như trên thế giới.
Tuy máy của Hyundai không mạnh bằng Toyota hay Honda nhưng người mua xe này ở Mỹ được bảo hành đến 10 năm hay 100.000 miles (dặm), trong khi các loại xe khác thường chỉ được bảo hành 5, 6 năm hay 60.000 miles.
Câu chuyện Yugo và Hyundai về công nghệ sản xuất ô tô ở hai quốc gia đều là độc tài, một là độc tài cộng sản và một là độc tài tư bản, nhưng chính sách kinh tế thị trường tạo cơ hội cho những sản phẩm có phẩm chất tốt ra đời và đưa đất nước phát triển nhanh hơn là trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Năm 1988 Nam Triều Tiên đã là quốc gia thứ nhì ở Đông Á có khả năng đứng ra tổ chức Thế Vận Hội, sau Nhật Bản.
Từ giữa thập niên 1990, sau giai đoạn dân chủ hoá đất nước, Nam Triều Tiên đã đưa ra thế giới nhiều thương hiệu, ngoài Hyundai luôn cải tiến trong hơn ba thập niên qua, nay có KIA, có siêu thị Lotte và điện thoại Samsung được người tiêu dùng biết đến trên toàn cầu và đặc biệt là ở Việt Nam.
Sinh hoạt tại Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á
Sinh hoạt tại Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Ngày nay không chỉ những sản phẩm của Nam Triều Tiên được người Việt ưa chuộng mà cả những show ca nhạc, những kiểu thời trang, chương trình tivi của Nam Triều Tiên cũng được nhiều người Việt đón nhận nhiệt tình.
Những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu làm cho người tiêu dùng biết đến trình độ phát triển quốc gia sản xuất ra sản phẩm đó. Sử dụng hàng hiệu Sony, Toyota, Yamaha là cảm phục người Nhật. Chạy xe Wolkswagen, Mercedes là biết công nghệ ô tô của người Đức cao đến mức nào.
Người Mỹ mang sức mạnh mềm ra thế giới qua nhiều sản phẩm, từ phim ảnh Hollywood đến những cửa hàng ăn nhanh như McDonald’s, KFC. Sức mạnh của Hoa Kỳ còn là các loại máy bay lớn nhỏ, là công nghệ thông tin với Apple, Microsoft, các phần mềm trong khoa học, tài chính cùng mạng xã hội như Facebook, Twitter.
Sức mạnh của Mỹ là Uber, AirBnB và những công ty khởi nghiệp, là những tiết mục giải trí trên truyền hình mỗi tối, từ ca nhạc, đố vui đến nấu ăn được nhiều quốc gia sao chép, trong đó có Việt Nam.
Thỉnh thoảng xem tivi Việt thấy có nhiều chương trình giải trí sản xuất từ Việt Nam với hình thức giống như trên tivi Mỹ. Chương trình Chung Sức giống như “Family Feud”, Chiếc Nón Kỳ Diệu là bản sao của “Wheel of Fortune”, rồi thi ca nhạc giống như “The Voice”, thi nấu ăn giống như “Chopped”.
Một lần xem chương trình nấu ăn “Top Chef Vietnam” (Đầu Bếp Đỉnh), tôi ngạc nhiên với cách thi đua hơi khác thường. Hôm đó, những thí sinh đang nấu món ăn riêng của mình, gần xong, bỗng dưng người điều khiển chương trình yêu cầu các đầu bếp đổi chỗ, đảo lộn lẫn nhau, đầu bếp này qua nấu món của đầu bếp kia. Như thế ban giám khảo làm sao biết đó là món ăn sáng tạo của ai.
Thức ăn Việt là một sức mạnh mềm vì có sức hấp dẫn trên thế giới. Được biết đến nhiều là phở, bánh mì, gỏi cuốn, chả giò và nước mắm. Trong nhiều chương trình nấu ăn, những đầu bếp nổi tiếng của Mỹ đã dùng nước mắm và chỉ cách nấu, cách làm những món ăn này. Bà Martha Stewart đã dạy nấu phở trên tivi. Trong “Chopped” đã có nước mắm, giò được dùng để các đầu bếp nấu trong cuộc thi. Yang Can Cook đã hướng dẫn cách nấu nhiều món Việt.
Gốm cổ Việt Nam trong Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á ở San Francisco
Gốm cổ Việt Nam trong Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á ở San Francisco (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Ở San Francisco có Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á (Asian Art Museum) mà mỗi năm có nhiều triển lãm, mỗi kỳ kéo dài vài tháng, trưng bày di sản văn hoá từ Trung Hoa, Thái Lan, Mông Cổ, Ai Cập đến Nhật Bản, Indonesia, nhưng thiếu vắng những triển lãm về di sản văn hoá Việt Nam.Sức mạnh mềm còn là phô trương những di sản văn hoá, những nét nghệ thuật ra thế giới qua các cuộc triển lãm nghệ thuật.
Ngay cả trong những di vật được trưng bày thường trực ở bảo tàng cũng có rất ít nét văn hoá Việt. Chỉ có chiếc trống đồng đã thủng lỗ, trông không được tốt bằng chiếc trống đồng tôi thấy trong một liên hoan đón Tết của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam trước đây. Đồ gốm Việt Nam cũng chỉ có chừng chục chiếc bình và bát đĩa cổ. Chỉ có thế thôi. So với các nước khác trong vùng Đông Á như Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Indonesia, Thái Lan, Campuchia thì những tượng hình, bình, bát, đĩa của Việt Nam chẳng là bao.
Thiếu vắng phô trương văn hoá cũng là dấu chỉ thiếu sức mạnh mềm. Trong thập niên 1990 và 2000 có hai triển lãm nghệ thuật Việt Nam ở vùng Vịnh San Francisco. Bảo tàng Nghệ thuật San Jose có triển lãm với chủ đề “An Ocean Apart” (Nghìn trùng xa cách), và Đại học St. Mary ở Moraga có triển lãm “The Winding River” (Dòng sông uốn khúc) với nhiều nét nghệ thuật đương đại của Việt Nam.
Năm 2009 có triển lãm nhỏ trong chương trình Meet Vietnam tổ chức tại sảnh đường của tòa thị chính San Francisco.
Mấy tháng trước đi nghe nhà nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam là Tiến sĩ Nora Taylor nói chuyện ở Đại học Berkeley về kiểm duyệt và phát triển trong sinh hoạt nghệ thuật tại Việt Nam. Bên ngoài buổi nói chuyện tôi hỏi bà là vì sao ít khi có triển lãm nghệ thuật Việt Nam tại Hoa Kỳ, bà nói là vì Hà Nội lo sợ bị cộng đồng người Việt biểu tình phản đối. Tôi nói có thể đó không phải là lý do vì chuyện biểu tình thường xảy ra ở Hoa Kỳ, nhất là ở vùng Vịnh San Francisco.
Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á ở San Francisco
Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á ở San Francisco (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Nhưng theo tôi, đó không phải lý do để không đem văn hoá Việt Nam ra phô trương, mà chính sách của nhà nước Việt Nam không chú trọng nhiều đến văn hoá nghệ thuật, nên không có ngân sách cho những việc này. Còn những người giàu có, những công ty của Việt Nam cũng không có tầm nhìn văn hoá nên không bảo trợ hay đầu tư. Những lần nghệ thuật Việt Nam được đưa đến vùng này, như múa rối nước đến Đại học Berkeley hay triển lãm ở San Jose, San Francisco đã có biểu tình.
Việt Nam không còn là cuộc chiến nữa. Nhưng ngày nay đất nước này có gì hấp dẫn và sức mạnh mềm của một dân tộc với một lịch sử nhiều nghìn năm đánh đuổi ngoại xâm là đâu? Không nhẽ chỉ còn phở, bún chả, bánh mì, chả giò, nước mắm và những tượng đài đương đại nghìn tỉ bằng xi măng!

Giới thiệu tác giả: GS.Bùi Văn Phú hiện đang giảng dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps tại Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á. Ông cũng là cây viết thường xuyên cho nhiều hãng thông tấn. Các bài viết của ông đã được đăng trên San Jose Mercury News, Contra Costa Times, Oakland Tribune, Người Việt, Thời Báo (San Jose), Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (voatiengviet), talawas.org, viettribune.com, vietbao.com. 
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết thể hiện quan điểm của Epoch Times.

Artikel Terkait


EmoticonEmoticon