Sáng nay (17/10), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) trước kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XIV.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri sáng nay. (ảnh: VNN) |
Tại buổi làm việc, cử tri Trần Công Dân (phường Thành Công, quận Ba Đình) nhận định công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng cần làm quyết liệt hơn.
Đồng tình với quan điểm này, cử tri Võ Giang Đông (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình) đánh giá tham nhũng, lãng phí vẫn đang là vấn đề lớn của đất nước. “Muốn làm tốt phải có sự gương mẫu từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Hiện nay hiệu quả phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu. Một trong những lý do là do kẽ hở luật pháp còn nhiều. Vì thế cử tri đề xuất Quốc hội cũng nên có một ban phòng chống tham nhũng để phát huy hiệu quả” – cử tri Giang Đông nhấn mạnh.
Ngoài ra, có một số ý kiến khác của cử tri tập trung vào lĩnh vực an toàn giao thông, quản lý đô thị, cũng đang là vấn đề khiến người dân bức xúc; Có cử tri thắc mắc: “Trước Quốc hội có nghị quyết bỏ HĐND cấp xã/phường tại một số tỉnh/thành phố nhưng vì sao đến nay chưa thực hiện được?”...
Tiếp thu ý kiến và giải trình thêm các thắc mắc của cử tri quận Ba Đình, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, về quản lý đô thị và chống ùn tắc giao thông, Thành phố đang làm và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong nhiệm kỳ này.
Sau khi lắng nghe các ý kiến và phần giải trình của lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi lời cảm ơn những ý kiến, kiến nghị rất sâu sắc, tâm huyết của cử tri. Tổng Bí thư đánh giá, đây đều là những ý kiến, kiến nghị đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng mà Quốc hội cũng như cả đất nước đang quan tâm xử lý, bàn bạc như: Luật về hội, Luật tín ngưỡng tôn giáo, đấu giá tài sản, nâng tuổi nghỉ hưu, xử lý sự cố môi trường, quy hoạch đô thị, quản lý nợ công, đặc biệt là công tác tổ chức cán bộ và phòng, chống tham nhũng lãng phí…
Tổng Bí thư cho biết: “Luật về hội, Luật tín ngưỡng tôn giáo lần đầu tiên trình ra Quốc hội, thể hiện quyền công dân. Đây là các dự luật rất lớn, rất quan trọng. Hiện chưa có luật nhưng cả nước có khoảng 650.000 hội các loại từ trung ương đến địa phương, hoạt động rất phong phú, đây là các hội có đăng ký hoạt động chứ chưa kể các hội không đăng ký mà chỉ báo chính quyền hoạt động. Làm thế nào để các hội hoạt động đúng hướng, đúng mục đích và quản lý được các hội để tránh tiêu cực, sai phạm, giữ vững an ninh trật tự, an ninh chính trị là vấn đề cần phải xem xét. Nhất là có lo ngại việc người nước ngoài tham gia vào các hội”.
Tổng Bí thư nhận định, Luật tín ngưỡng tôn giáo cũng vậy. Đại đa số là hoạt động đúng pháp luật nhưng cũng có những trường hợp lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Vấn đề là có cho các tổ chức tôn giáo mở trường hay không? Chủ trương là đồng ý cho mở trường nhưng phải đúng mục đích.
Đối với vấn đề giữ gìn môi trường, Tổng Bí thư cho biết, trước chúng ta cứ làm ào ào cốt là để hút dự án, địa phương nào còn nghèo mà không có dự án vào thì sốt ruột lắm, trong khi các nơi có dự án vào thì đời sống nhân dân khác hẳn, thế nên nảy ra tình trạng đua nhau đi "chạy" dự án trong khi trình độ cán bộ của ta chưa đáp ứng yêu cầu, hạ tầng cơ sở còn thấp kém và chưa chú trọng tới vấn đề môi trường. Không chỉ có Formosa mà còn rất nhiều dự án, vấn đề khác liên quan đến môi trường.
“Về Nghị quyết trung ương 4 về xây dựng Đảng, chống suy thoái về đạo đức, tư tưởng, chống diễn biến hòa bình, chống tự chuyển hóa… Đây là vấn đề rất lớn và đặt ra từ rất lâu, vấn đề là cần phải làm quyết liệt. Thực tế làm rất khó khăn, nhiều người nói chống ngoại xâm đã khó chống nội xâm giờ càng khó vì tự ta đánh ta, mà có mấy ai tự nhận khuyết điểm. Đúng là nói phải đi đôi với làm nhưng làm được không, rất khó. Đòi hỏi phải kiên trì, kiên quyết, cũng phải bình tĩnh và thông cảm với cái chung chứ mong muốn thì ai cũng mong muốn cả.
Liên quan đến chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chúng ta đang quyết tâm làm. Từ đầu năm đến nay đã làm quyết liệt, chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện. Thà làm ít một nhưng đạt hiệu quả còn hơn nói làm nhiều nhưng không được bao nhiêu. Còn ý kiến Quốc hội cần có ban chỉ đạo, các địa phương cũng có ban chỉ đạo thì rối. Hiện đã có ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương, có đại diện Chính phủ, Quốc hội tham gia đầy đủ. Vấn đề là các Bộ ngành, các địa phương phải cùng tham gia thực hiện. Việc thực hiện giám sát của Quốc hội là cần thiết và vẫn làm chứ không phải Quốc hội không có ban chỉ đạo mà không giám sát” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi vì sao chưa bỏ HĐND cấp xã/ phường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Chưa bao giờ ta nói bỏ HĐND. HĐND là cơ quan đại diện cho người dân nên phải có cơ quan quyền lực đại diện cho người dân, song vấn đề là cơ quan này phải hoạt động hiệu quả theo luật pháp.
“Thực tế thời gian qua có nhiều cấp HĐND, nhất là ở cấp xã/phường hoạt động hình thức, không hiệu quả. Thế nên trung ương cho triển khai thí điểm. Tuy nhiên sau một thời gian thí điểm thấy không có HĐND là không đúng. Thế nên ở những nơi nào HĐND đang hoạt động hình thức thiếu hiệu quả thì phải có giải pháp, cách tổ chức đặc thù nào đó để tăng hiệu quả, cái này lại phải nghiên cứu, phải có luật, chứ không phải bỏ cơ quan đại diện quyền lực của dân” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
EmoticonEmoticon