Senin, 17 Oktober 2016

Tường trình từ đập thủy điện Hố Hô

Tags

LĐ - 243 PHÓNG SỰ CỦA TRẦN TUẤN - HƯNG THƠ
Thủy điện Hố Hô (thượng nguồn ở Hương Khê, Hà Tĩnh) xả lũ bất ngờ với sức nước cực lớn.
Nước lũ từ thượng nguồn đổ ập xuống làng mạc, nhà cửa, phá nơi ở, sinh kế của hàng ngàn hộ dân các tỉnh Bắc Trung Bộ. Vùng đất miền Trung vốn đã nghèo khó này luôn phải đối mặt với gian khó, giờ lại thêm cơn lũ dữ, lốc xoáy đã mấy hôm nay. Từ hiện trường các vùng bị cô lập nặng do mưa lũ, phóng viên Lao Động tường trình về tình trạng thiên tai do thiên nhiên cộng thêm việc xả lũ từ các hồ đập thủy điện do chính con người tạo ra.
Thủy điện xả lũ,dân chạy không kịp
Tại Hà Tĩnh, sáng ngày 15.10, ít giờ đồng hồ sau một đêm nước lũ quần thảo, người dân chạy đua cứu tài sản trong mệt mỏi, bất lực. Chúng tôi thuê thuyền đi xuyên vào nơi những ngôi nhà ở xã Lộc Yên (Hương Khê) đang lộ dần ra khi nước xuống. Ánh mắt phờ phạc, ông Trần Kim Hoàng (xóm Thái Thượng) đang dầm mình trong mưa để trông giữ đàn lợn được đưa chạy lũ trong đêm lên trú tạm trên đường tàu Bắc - Nam bức xúc: “Từ chiều ngày 14.10, khi trời đang mưa lớn, nước đang thấp dưới khe, thế nhưng, đến tầm khoảng 19 giờ thì nước ngập vào nhà rồi dâng liên tục cho đến ngang đầu người mới dừng vào tầm khoảng 12 giờ đêm. Việc xả lũ của thủy điện Hố Hô, gia đình tui không hề nhận được thông báo. Lũ to thì có nhiều rồi. Nhưng lũ về nhanh như kẻ cướp rứa thì chưa từng có, nó y như sóng thần. Lũ về nhanh quá, gia đình tui di chuyển đồ đạc, tài sản không kịp. Hiện tủ lạnh, tivi bị ngập nước hư hỏng, chăn, gối, nệm ngâm nước, 2 con lợn nái nặng gần 3 tạ bị trôi mất…”.
ảnh 1
Nước ở thượng nguồn đổ về quá nhanh và nhiều làm hư hại rất nhiều nhà cửa, công trình dân sinh các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh.Ảnh: T.T - H.T
Là hàng xóm, cụ Lưu Văn Quý (85 tuổi) sống một mình, đang ngồi co ro, chưa hết sợ hãi kể: “Tối qua, nước lũ về quá nhanh, chỉ kịp bắc thang leo được lên chạn (gần mái ngói) tránh lũ. Sáng ra, nước rút, tui xuống thì thấy giường, chiếu, chăn nệm, tivi đều ngập nước, ngay cả bàn thờ tổ tiên, di ảnh cũng ướt đó” - cụ Quý chỉ tay lên bàn thờ với vết nước còn in lại, giọng xót xa. Trưởng xóm Thái Thượng Nguyễn Kim Thân trực tiếp dẫn chúng tôi xuyên trong mưa lũ đến từng nhà dân cũng khẳng định, tầm khoảng 19 - 20 giờ ngày 14.10, khi nước đã vào nhà dân rồi ông nhận được điện thoại của Chủ tịch xã bảo thông báo với dân về việc thủy điện Hố Hô xả lũ. “Lúc đó thì mất điện rồi. Mất từ 16 giờ rồi nên tui có nói lại với chủ tịch là mất điện rồi thì thông báo chi được nữa” - ông Thân nói.
Vẫn là “xả lũ đúng quy trình”…
Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn rất “nóng mặt”. Ông nói, việc xả lũ của thuỷ điện bắt buộc phải thông báo tới chính quyền địa phương và người dân để chủ động. “Trước khi xả, nhà máy phải thông báo bằng văn bản trước 2 ngày cho UBND tỉnh Hà Tĩnh, Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND huyện Hương Khê, UBND các xã có liên quan. Nếu trong quá trình xả lũ có tình huống bất thường, khẩn cấp thì đại diện lãnh đạo nhà máy sẽ thông báo trực tiếp cho trưởng phó ban chỉ huy phòng, chống lụt bão các cấp bằng điện thoại để xin phương án xử lý. Thế nhưng, trong việc xả lũ của thủy điện Hố Hô ngày 14.10, UBND huyện không nhận được thông báo bằng văn bản nào của nhà máy để cảnh báo cho dân. Đến lúc 16 giờ, đại diện nhà máy mới thông báo qua điện thoại tới một phó chủ tịch huyện nên cả huyện hoàn toàn bị động” - ông Huấn thẳng thắn.
ảnh 2
Hàng ngàn ngôi nhà ở mỗi tỉnh trong “vùng cá chết” từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế bị ngập chìm và hư hại do lũ và lốc xoáy. 
Ông Huấn còn chỉ ra, lúc 16 giờ ngày 14.10, cốt nước tại Hố Hô là 68m, lưu lượng nước vào 1.700m3/s, nhà máy mở 3 cửa xả lưu lượng 1.500 m3/s. Tới 17h39, cốt nước đã hạ xuống còn 67,3m, nước vào 1.400m3/s, nhưng lượng xả lại tăng lên 1.700m3/s. Tới 19h, lãnh đạo huyện Hương Khê trực tiếp lên kiểm tra thì lưu lượng xả lúc này đã 1.843 m3/s, dù cốt nước 67m. “Khi chưa mưa thì không xả, lại nhè lúc mưa lớn để xả. Nước trên đổ về, nước sông dâng lên, tôi đề nghị dừng lại từ 1- 2 tiếng cho nước rút bớt, điều kiện lúc đó có thể dừng xả 1 tiếng nhưng lãnh đạo nhà máy không chấp thuận”, ông Huấn bức xúc kể. Ngay trong sáng 15.10, khi trực tiếp thị sát mưa lũ tại huyện Hương Khê, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã nói rằng thủy điện không thể xả ồ ạt như vậy được. “Hộ nào cũng cho rằng lúc tối nước lên nhanh quá. Xả như thế không nhanh sao được” - ông Khánh nói
Trong khi đó, ông Vũ Mạnh Hùng - Giám đốc Nhà máy thủy điện Hố Hô (Cty CP thuỷ điện Hồ Bốn) cho rằng, việc xả lũ tại Hương Khê là đúng quy trình. Theo ông Hùng, công ty đã xin lệnh xả và điều tiết từ 20h ngày 13.10. Từ 0h -14h ngày 14.10, nhà máy luôn điều tiết ở tình trạng nước xả đi ít hơn nước về. Đến 18h45, lượng nước đổ về hồ là 1.800m3/s, có lúc xấp xỉ gần 2.000m3/s. Ông Hùng còn cho rằng, Cty không có trách nhiệm thông báo tới chủ tịch UBND huyện. Trước trả lời của đại diện thủy điện Hố Hô, ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch huyện Hương Khê nói: “Sau đợt này tôi sẽ mời làm việc lại đàng hoàng. Chứ bây giờ đang tập trung khắc phục lũ lụt nên chưa ngồi lại được…”.
Rừng đầu nguồn bị tàn phá, hạ du đón lũ bất ngờ
Chiều tối 16.10, ông Lê Chí Công - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, đến thời điểm này có 1.633 ngôi nhà bị ngập nước và tốc mái, hàng trăm hécta hoa màu, cây ngắn ngày bị ảnh hưởng. Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn vào đêm 15.10, có 1.000 ngôi nhà ở 3 xã của huyện Vĩnh Linh bị ngập nước, cô lập vì nước “ở đâu đó” bất ngờ ập về, dâng cao trong sự hãi hùng của người dân. Ông Phan Ngọc Nghĩa - Chủ tịch xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh) kể, đêm 15.10 ở địa bàn mưa không lớn, nên người dân ít đề phòng, ai cũng kê cao gối ngủ ngon giấc. 1 giờ đêm, cán bộ trực bão bất ngờ thông báo nước ở đâu đổ về rất nhanh, cần thông báo cho người dân gấp vì sẽ ngập. “Nhà nào cũng đang ngủ ngon, chúng tôi phải đập cửa từng nhà, gọi người dân dậy để sơ tán đồ đạc lên cao, đưa con nít và người già đến nơi an toàn” - ông Nghĩa nhớ lại. 1 giờ nước bắt đầu đổ về, thì chưa đến 1 giờ sau đã lênh láng mọi ngả đường, những gia đình ở gần bờ sông Sa Lung có nơi ngập trên 2m.
Xã Vĩnh Lâm (huyện Vĩnh Linh) có đến gần 400 ngôi nhà bị ngập nước, cũng chung tình trạng như xã Vĩnh Thủy, người dân không kịp trở tay vì nước lũ bất ngờ kéo về quá nhanh. Bà Hồ Thị Phiến (thôn Đặng Xá, xã Vĩnh Lâm) cho hay, sống gần hết đời người nhưng lần đầu tiên bà chứng kiến lũ về bất ngờ như vậy. “Cũng may là không có mưa và nước chỉ lên hơn 1 mét. Chứ cao nữa là mệt chuyện rồi, vì nửa đêm nửa hôm, không xoay xở kịp. Mà chắc chắn là do đập mô đó xả lũ, nhưng xả thì phải thông báo cho bà con chứ không thể cứ chùng lén như rứa được” - bà Phiến, nói.
Trả lời Lao Động, ông Hồ Xuân Hòe - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết vào tối 15.10 đập Bảo Đài (xã Vĩnh Long) dung tích thiết kế 25,5 triệu m3 có xả lũ. “Từ 1 giờ ngày 15.10, chúng tôi đo được trong 3 giờ đồng hồ lượng mưa 379mm, như vậy là rất lớn. Vì vậy, sau khi thông báo với chính quyền, chúng tôi xả lũ với lưu lượng 80m3/s để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ lưu” - ông Hòe nói. Tôi hỏi ông Trần Hữu Hùng - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), nước ở đâu đổ về mà chỉ ít phút đã ngập cả 1.000 nhà dân thế. Ông Hùng bảo, một phần nước ở thượng nguồn đổ về, một phần đập Bảo Đài xả lũ vì đập đón nhận lượng nước rất lớn, vượt quá dung tích thiết kế đến 20%. “Cũng có thể mấy ngày nay mưa, đất no nước rồi. Phía thượng nguồn có tí nào là đổ ào về đây, nên nước mới lên nhanh, bất ngờ như vậy” - ông Hùng giải thích. “Nghĩa là cây rừng phía thượng nguồn bị tàn phá quá nhiều, không giữ được nước nữa nên nước trên rừng cứ thế mà ào về hạ du?” - chúng tôi hỏi, ông Hùng gật đầu.
Chuyện đã được báo trước
Không xa nơi 1.000 nóc nhà bị ngập nước, là những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bến Hải. Chúng tôi đã có 1 tháng ăn ngủ ở những cánh rừng đó và có loạt bài điều tra về tình trạng tàn sát rừng phòng hộ mà sau đó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã 2 lần chỉ đạo địa phương làm rõ, xử lý nghiêm vì mức độ phá rừng rất nghiêm trọng. Rừng bị phá, trước mắt là tài nguyên bị xâm hại, rồi sau đó kéo theo những cơn lũ bất ngờ như ở huyện Vĩnh Linh - chuyện đã được báo trước.
Thủy điện Hố Hô đã đóng các cửa xả nước từ ngày 14.10
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp tại Quảng Bình, Hà Tĩnh, Công ty cổ phần thủy điện Hồ Bốn, chủ quản Nhà máy thủy điện Hố Hô - vừa cho biết: Trong đợt lũ từ ngày 12 -15.10, Công ty đã vận hành công trình điều tiết lũ phù hợp với các quy trình được duyệt và không làm tăng nguy cơ thiệt hại cho vùng hạ du. Cụ thể trong thời gian mưa lũ lớn, từ 14h30 - 17h30 ngày 14.10, theo các thông số tính toán được tại nhà máy và tin cảnh báo mưa lớn từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hà Tĩnh, lưu lượng nước về hồ tăng đột biến, mực nước trong lòng hồ khi đó ở cao trình 67-68 với lưu lượng về hồ từ 700m3/s - 1.700m3/s và lưu lượng điều tiết qua tràn thấp hơn lưu lượng về hồ, từ 630m3/s - 1.500 m3/s.
Tại thời điểm 18h30 ngày 14.10, do ở khu vực nhà máy có mưa to kéo dài từ ngày 12 - 14.10 đã gây sạt trượt mái cơ taluy dương vai phải đập với lượng sạt lớn và có nguy cơ sạt trượt đất đá vào trạm biến áp 35kV và nhà máy có thể gây mất an toàn cho người và thiết bị. Lưu lượng nước về hồ lúc 18h30 là 1.843m3/s và chưa có dấu hiệu giảm, nhà máy buộc phải mở hết cửa van cung xả lưu lượng qua tràn bằng với lưu lượng nước về. Từ 3h sáng ngày 14.10.2016 đến 24h ngày 15.10, theo các thông số tính toán được tại nhà máy và tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hà Tĩnh, lưu lượng nước về hồ giảm còn 715m3/s, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị, Nhà máy thủy điện Hố Hô mới chủ động giảm đóng bớt các van cung để giảm lưu lượng nước qua tràn. Lúc này mực nước trong lòng hồ đang ở cao trình 64, 6 - 65,7 với lưu lượng về hồ từ 203m3/s - 715m3/s và lưu lượng điều tiết qua tràn từ 141m3/s đến 700m3/s. Như vậy, trong thời gian mưa lũ to xảy ra không có tình trạng thủy điện xả lũ lớn xuống hạ du gây ngập lụt mà đã chủ động điều tiết lũ, mức xả nước về hạ du thấp hơn so với lưu lượng nước về hồ.                                                                                                                                                    Q.T

Artikel Terkait


EmoticonEmoticon